Để được "hợp thức hóa" đất nền nhà phân lô từ đất nông nghiệp ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), người mua phải đóng thêm 3 triệu đồng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Chỉ sau ít ngày, sổ đỏ ghi tên người mua được giao tận tay...
Để được “hợp thức hóa” đất nền nhà phân lô từ đất nông nghiệp ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), người mua phải đóng thêm 3 triệu đồng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Chỉ sau ít ngày, sổ đỏ ghi tên người mua được giao tận tay...
Đây là khẳng định của “cò” Hưng, nhân vật trong bài trước chúng tôi đã đề cập. Theo Hưng, chỉ khoảng 10 ngày anh ta sẽ “lo” xong sổ đỏ đất phân lô cho khách đã mua từ đất nông nghiệp.
* “Lập lờ đánh lận con đen”
Thông thường, để hoàn tất sổ đỏ phải mất khoảng nửa tháng đến 50 ngày. Nhưng khi hỏi vấn đề này, Hưng vẫn quả quyết, nếu chúng tôi mua lại đất nông nghiệp đã phân lô thì đúng thời gian cam kết, anh ta sẽ giao giấy tờ đầy đủ.
Đất đồi vẫn bị “xẻ thịt” đem đổ tại một khu vực cần san bằng (ảnh chụp chiều 19-11). |
Hưng cho chúng tôi xem hàng xấp sổ đỏ nói là chuẩn bị giao cho những người đã đặt cọc mua đất. Trong số này có nhiều trường hợp cùng sử dụng chung một khu đất. Ví dụ, thửa đất số 05, tờ bản đồ số 22, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất được ghi tên các ông: Trần Trung Nghĩa, Trần Minh Luận đều ngụ ấp Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận); Nguyễn Hoàng Nhân, ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) được đồng sử dụng quyền sử dụng đất với bà Dương Thị Hảo và Nguyễn Đình Sinh. Tại phần ghi thửa đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất, các sổ ghi tên những người kia đều giống nhau. Chẳng hạn, không chú thích diện tích của riêng từng người mà chỉ ghi diện tích sử dụng chung là 1.084m2; mục đích sử dụng là đất trồng cây nông nghiệp lâu năm; thời hạn sử dụng đến tháng 8-2052. Có nghĩa là, tất cả những người này đều có quyền lợi như nhau đối với thửa đất trên. Nhưng thực tế, nếu đã là đất phân lô thì phải có phần tài sản gắn liền với đất, ví dụ là nhà ở - một khi được công nhận (nền nhà). Đằng này, toàn bộ diện tích của tất cả 5 người đồng sở hữu đều có mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm. [links(right)]
Như vậy, đối với đất nền nhà phân lô từ đất nông nghiệp mà Hưng đã bán và chuẩn bị giao “sổ đỏ” vẫn là đất nông nghiệp, không có cơ sở về mặt pháp lý khi tách thửa; càng không thể có chủ quyền của lô đất nền như nhóm này đã rao.
* Chính quyền địa phương nói gì?
Nhận định về tình trạng “sốt” đất ở xã Bàu Hàm 2, bà Th., ngụ ấp Trần Cao Vân, cho biết thời gian gần đây, thỉnh thoảng có một số người cầm sổ đỏ nói là đất phân lô đã được cấp chủ quyền. Người phụ nữ này nghi ngờ: “Gia đình tôi ở xã Bàu Hàm 2 đã lâu nên đâu lạ gì vùng đất này, phần lớn đất ở đây là sản xuất nông nghiệp. Trường hợp nhà tôi khi làm sổ đỏ cho khu đất sử dụng phải đi lại cả tháng. Còn đất phân lô, chẳng biết họ làm cách nào mà làm sổ đỏ dễ dàng như vậy”.
Khi nghe phóng viên Báo Đồng Nai hỏi về tình trạng khai thác đất đồi và phân lô bán nền đất nông nghiệp ở xã Bàu Hàm 2, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thống Nhất Nguyễn Hiệp Quế rất ngạc nhiên và nhấn mạnh: “Công tác quản lý đất và tách thửa trên địa bàn huyện làm rất chặt. Chúng tôi sẽ cho người xuống phối hợp với địa phương kiểm tra. Nếu tình hình diễn ra đúng như dư luận phản ảnh, chúng tôi sẽ xử lý, ngăn chặn ngay”. Trong khi đó, chiều 19-11 (ngày Báo Đồng Nai đăng bài “Cò” đất lộng hành), chúng tôi trở lại ấp Trần Cao Vân và ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2 thì thấy việc móc đất đồi đi nơi khác tiếp tục diễn ra. Riêng một số “cò” đất lảng vảng tại những khu vực đất nông nghiệp đã phân nền như chẳng có chuyện gì xảy ra... |
Nói về lĩnh vực quản lý đất đai ở địa phương mình, ông Phạm Hoàng Thanh, cán bộ địa chính - xây dựng xã Bàu Hàm 2, khẳng định không thể có tình trạng khai thác đất đồi trái phép như dư luận phản ảnh. Cách đây không lâu, chỉ duy nhất có một trường hợp gần cây xăng số 222, thuộc tổ 5, ấp Lộ 15 xin giấy phép được cải tạo mặt bằng khu đất bằng cách san lấp từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Riêng những trường hợp phân lô bán nền càng không có. Cùng nhận định như ông Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2 Nguyễn Lộc quả quyết: “Chuyện này xảy ra ở đâu chứ địa bàn chúng tôi bình yên lắm. Cuộc họp nào chúng tôi cũng chỉ đạo cán bộ địa chính và các ấp phải thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất đúng mục đích. Vì vậy, chỉ cần “léng phéng” là chúng tôi “thổi còi” liền”. Trái với nhận định của lãnh đạo xã, một số cư dân địa phương mà chúng tôi đã gặp đều cho biết, khi thấy tình trạng phân lô bán nền diễn ra ở nhiều địa điểm, họ đều báo cho xã biết, nhưng chẳng thấy ai đến kiểm tra, xử lý.
Rõ ràng, do không bị “thổi còi” nên tình trạng móc đất đồi đem bán rồi chuyển mục đích sử dụng đất bằng hình thức phân lô, bán nền ở xã Bàu Hàm 2 đến nay không còn lén lút. Có điều, hoạt động này diễn ra công khai nhưng lãnh đạo xã vẫn phủ nhận, đó mới là chuyện lạ.
Tạ Nguyên - Thu Thảo