Báo Đồng Nai điện tử
En

Khắc phục hậu quả? (Bài cuối)

11:10, 28/10/2013

Tình trạng lấn chiếm đất rừng và xây dựng nhà xưởng ồ ạt tại KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) trong một thời gian dài, song chính quyền địa phương lại không có biện pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn...

Tình trạng lấn chiếm đất rừng và xây dựng nhà xưởng ồ ạt tại KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) trong một thời gian dài, song chính quyền địa phương lại không có biện pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn...

Một khu đất rừng đang được tư nhân “quy hoạch” để xây nhà xưởng trái phép.
Một khu đất rừng đang được tư nhân “quy hoạch” để xây nhà xưởng trái phép.

Theo số liệu của ngành lâm nghiệp, diện tích đất trồng rừng tại phường Long Bình vào năm 1986 là 314 hécta. Thời điểm này, UBND tỉnh cho phép các đơn vị lâm nghiệp quốc doanh tổ chức cho các hộ dân, gia đình công nhân viên chức và đơn vị tập thể nhận đất trồng rừng, nhận rừng đã trồng để chăm sóc bảo vệ cho đến khi thu hoạch sản phẩm.

* Hàng loạt vi phạm 

Theo đó, có 55 hợp đồng giao khoán với các hộ gia đình được ký kết với tổng diện tích 159 hécta, phần còn lại do Lâm trường Biên Hòa (nay là Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa) quản lý.

Từ năm 2002 đến nay, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 286 hécta đất rừng giao cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để phát triển công nghiệp. Như vậy, diện tích rừng ở phường Long Bình còn 28 hécta. Trong đó có cả đất rừng do các hộ dân được giao khoán đang sinh sống từ thời điểm ký hợp đồng đến nay. Ngoài ra, còn có các công trình hạ tầng, như: đường giao thông, hệ thống thoát nước... và hơn 7 hécta rừng nằm xen kẽ giữa khu dân cư và khu công nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian không lâu, hầu như toàn bộ đất rừng đều bị cá nhân lấn chiếm.[links(right)]

Nhận định về tình trạng đất rừng bị “xẻ thịt” mỗi ngày để đến nay bị “xơi tái” hoàn toàn, Giám đốc Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa Trần Đình Xướng cho biết những vụ lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất rừng, trung tâm đều phát hiện và lập biên bản. Sau những vụ vi phạm, đơn vị chủ rừng đều gửi văn bản về địa phương đề nghị hỗ trợ, phối hợp giải quyết. Lý do phải nhờ đến chính quyền địa phương là bởi trung tâm không có thẩm quyền xử lý việc lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trên đất rừng. Thế nhưng, hầu hết các vụ vi phạm đối với đất rừng tại KP.8, phường Long Bình đều... rơi vào quên lãng. Những năm gần đây, mọi vấn đề liên quan đến đất rừng diễn biến phức tạp hơn, thậm chí nhiều người coi đất rừng là... của mình, còn có hành vi đe dọa, chống đối nhân viên bảo vệ rừng. 

* Xử lý đất rừng ra sao?

Liên quan đến những việc lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép tại KP.8, phường Long Bình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang thụ lý, điều tra vụ vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và mua bán đất trái phép tại địa phương này. Điều này cho thấy, mức độ vi phạm ở lĩnh vực đất đai ở phường Long Bình trong thời gian qua là rất nghiêm trọng.

Con đường đang được mở rộng dẫn vào khu nhà xây trái phép ở KP.8, phường Long Bình. Ảnh: Hải Đăng
Con đường đang được mở rộng dẫn vào khu nhà xây trái phép ở KP.8, phường Long Bình. Ảnh: Hải Đăng

Tuy nhiên, trong lúc ngành chức năng tiến hành điều tra làm rõ các thủ đoạn lấn chiếm đất rừng và sang nhượng phi pháp đất công, tình hình vi phạm vẫn không dừng lại. Đáng chú ý là việc mua bán đất rừng vẫn ngang nhiên diễn ra trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Thậm chí, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực địa, một số đối tượng rất manh động, tỏ thái độ chống đối, đồng thời kêu gọi các hộ dân có nhà trên đất rừng tập hợp lại hòng thách thức những người thực thi công vụ. Trước vấn đề khá gay cấn khi hàng ngày phải chứng kiến sự lộng hành của một nhóm đối tượng môi giới mua, bán đất rừng, Chủ tịch UBND phường Long Bình Bùi Đức Nam thừa nhận chính quyền địa phương có nhiều thiếu sót, yếu kém khi để xảy ra tình trạng phức tạp kéo dài này.

Trong khi đó, đề xuất về hướng giải quyết đối với đất rừng bị chiếm dụng thời gian qua, ông Trần Đình Xướng, cho rằng dứt khoát phải trả lại hiện trạng ban đầu đối với diện tích còn lại của trung tâm đã bị lấn chiếm, mua bán, xây dựng trái phép từ năm 2011. Riêng những gia đình đã sống trên đất rừng từ năm 1980 đến nay, nếu nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp thì tiến hành thủ tục hỗ trợ di dời; nếu thuộc quy hoạch khu dân cư thì nên sớm giải quyết cho người dân đăng ký quyền sử dụng đất để thực hiện quyền và nghĩa vụ như quy định.

Quyền Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm: Sẽ xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng
Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đất rừng Long Bình bị chiếm dụng, mua bán tràn lan, UBND TP.Biên Hòa đã yêu cầu ngành chức năng của thành phố phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tiến hành đo đạc, rà soát thực trạng về quá trình quản lý và sử dụng đất tại KP.8, phường Long Bình. Sau khi có kết quả về đợt kiểm tra này, thành phố sẽ báo về Sở Tài nguyên - môi trường để cùng kiến nghị UBND tỉnh hướng xử lý phù hợp. Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương và Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là không để phát sinh tình trạng xây dựng trái phép; tiến tới giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm đất rừng ở phường Long Bình.

 

 

Ngọc Liên

 

 

Tin xem nhiều