Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Mua, bán đất rừng tràn lan

11:10, 27/10/2013

Hơn 20 năm trước, khu vực phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chủ yếu là rừng trồng. Dạo ấy, rừng ở khu vực này được xem là lá phổi xanh của TP.Biên Hòa...

 

Hơn 20 năm trước, khu vực phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chủ yếu là rừng trồng. Dạo ấy, rừng ở khu vực này được xem là lá phổi xanh của TP.Biên Hòa...

Đó là chuyện... ngày trước. Còn bây giờ, những cánh rừng ngày nào đã biến mất, thay vào đó là nhà cửa san sát cùng những xưởng sản xuất, kho bãi xây tràn lan trên đất rừng.

* Mua đất rừng dễ như... đi chợ

Những năm gần đây khi hầu hết thị trường bất động sản đóng băng, thì đất ở phường Long Bình vẫn “đắt như tôm tươi”. Thời gian qua, tại KP.8 phường Long Bình, tình trạng mua bán đất và xây dựng nhà xưởng trái phép luôn chộn rộn và nóng bỏng đến bất ngờ.

Một xưởng sản xuất đang hình thành tại khu đất rừng ở KP.8, phường Long Bình.
Một xưởng sản xuất đang hình thành tại khu đất rừng ở KP.8, phường Long Bình.

Trong vai người cần mua đất làm xưởng sản xuất, chúng tôi được bạn quen giới thiệu đến gặp bà H., người hiện có 2 ngàn m2 đất cần bán. Sau một hồi “truy” lý lịch của chúng tôi, bà H. vẫn có phần cảnh giác. Tuy nhiên, khi nghe đúng tên người chỉ dẫn, bà H. mới vui vẻ tiếp chuyện. Người phụ nữ này cho biết, thửa đất bà đang sở hữu rất đẹp, diện tích lớn và đang tiến hành làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Chính vì vậy, bà H. “hét” giá 2,9 tỷ đồng cho khu đất ấy. Khi nghe hỏi về vấn đề cấp phép xây dựng nhà xưởng và kinh doanh, bà H. khẳng định: “Anh chị cứ việc xây cất nhà ở thoải mái và làm xưởng sản xuất trên đất đó, bởi tôi đã đăng ký kinh doanh tại địa chỉ này”.

Nghe giá đất ở phường Long Bình đột ngột tăng cao, một doanh nghiệp đến khu vực này làm ăn được 2 năm, cho biết trước đây tình hình mua bán đất tại KP.8 chỉ khoảng 200-300 triệu đồng/1 ngàn m2. Nhưng từ đầu năm đến nay, do có nhiều người từ nơi khác đổ xô đến tìm mua đất cất xưởng sản xuất khiến giá tăng vù vù. Người này còn dự báo, thời gian tới khi các xưởng sản xuất đi vào hoạt động, lúc đó đường sá sẽ được nâng cấp và chắc chắn đất trong khu này càng đắt đỏ hơn.

* Nhà, xưởng mọc như nấm

Lâu nay, KP.8, phường Long Bình được khá nhiều người biết đến bởi đây là “thủ phủ” của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Theo người dân quanh vùng,  trên địa bàn có những xưởng xây dựng trên đất rừng đã nhiều năm nhưng chẳng hiểu vì sao vẫn tồn tại. Có lẽ vì chẳng có cơ quan chức năng nào hỏi thăm nên người này giới thiệu với người kia, gia đình này lôi kéo gia đình khác đến làm ăn, sinh sống khiến đất rừng ngày càng bị thu hẹp, còn nhà, xưởng của cá nhân cứ nhiều thêm.

Một dãy nhà xây trái phép trên đất rừng ở phường Long Bình.
Một dãy nhà xây trái phép trên đất rừng ở phường Long Bình.

Hiện nay dọc theo con đường đất từ ga Hố Nai vào khu vực tổ 25, KP.8 khoảng 1km, tình trạng xây dựng trái phép vẫn diễn ra hàng ngày. Ngoài một số nhà xưởng hoạt động từ lâu, còn vài chục căn nhà đã định hình; thậm chí có cả nhà lầu với kiến trúc khá đẹp đang được xây dựng trên một con đường mới mở rộng lớn. Để có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các doanh nghiệp trong khu vực cùng góp tiền kéo một đường điện riêng với chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng. Trao đổi với những người chủ nhà đang sống ở đây, ai cũng thừa nhận đất rừng thì chắc chắn không có giấy tờ, nhưng hàng trăm hộ dân đã “lỡ” xây nhà và ổn định cuộc sống nhiều năm; vài chục nhà xưởng vẫn sản xuất đều đều thì Nhà nước có đuổi đi cũng không dễ (?!).

Theo lãnh đạo Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa, diện tích rừng trồng tại KP.8, phường Long Bình giờ chỉ còn rải rác với mật độ không đáng kể. Ngoài diện tích trung tâm vừa bàn giao cho Khu công nghiệp Amata, khu vực bị người dân lấn chiếm các năm qua khoảng 7 hécta. Trong đó có 106  vụ lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép diễn ra ồ ạt từ cuối năm 2011 đến nay. Chỉ tính 9 tháng của năm 2013 đã có 43 trường hợp xây dựng xưởng sản xuất, nhà ở không phép. Trong năm 2012, chính quyền địa phương đã lên danh sách hàng chục hộ buộc phải tháo dỡ công trình xây trái phép, nếu không cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế. Nhưng đến nay, các trường hợp dự kiến giải tỏa vẫn còn nguyên vẹn, trong khi nhà mới vẫn mọc lên phủ kín các khu đất trống trước đây là rừng.

Nhận định về tình trạng đất rừng ở phường Long Bình bị chiếm dụng, mua bán tràn lan, ông Lê Văn Đông, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, không khỏi bức xúc, xót xa. Theo ông Đông, vào khoảng năm 1985, rừng ở khu vực này rất đẹp, nhất là tại KP.8 dân nhận khoán trồng rừng khá nhiều. Từ khi khu công nghiệp phát triển, người người từ nơi khác đổ về dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng. Sau đó rừng mất dần và đến nay dường như nó đã bị xóa sổ.

Ngọc Liên

 

 

 

 

Tin xem nhiều