Nhiều năm nay, thầy và trò Trường THCS-THPT và dạy nghề Tân Hòa (Trường Tân Hòa), phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ xưởng cưa, xẻ gỗ nằm sát bên.
Nhiều năm nay, thầy và trò Trường THCS-THPT và dạy nghề Tân Hòa (Trường Tân Hòa), phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ xưởng cưa, xẻ gỗ nằm sát bên.
Thầy Chu Mạnh Chi, quyền Hiệu trưởng Trường Tân Hòa, bức xúc: “Tiếng máy cưa loại cầm tay cứ gầm rú suốt ngày làm ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như việc học tập của các em học sinh. Nhà trường đã nhiều lần gửi văn bản lên UBND phường Tân Hòa nhờ can thiệp, thế nhưng đến nay tình hình vẫn không có gì thay đổi”.
* Tiếng ồn át tiếng giảng bài
Được biết, xung quanh Trường Tân Hòa có một số xưởng sản xuất và chế biến gỗ. Trong số đó, xưởng gỗ của ông Nguyễn Ngọc Quyền thường xuyên gây ồn nhất, bởi hàng ngày gia đình ông Quyền dùng máy cưa loại cầm tay để cưa cây bán cho những cơ sở đóng đồ mộc trong vùng. Tiếng máy cưa lớn đến mức át cả tiếng giảng bài của các thầy cô trong trường.
Xưởng cưa gỗ nằm sát bên Trường THCS-THPT và dạy nghề Tân Hòa. |
Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 11A3, cho biết dù cố gắng giảng bài thật lớn cho các em nhưng cũng không thể đối chọi lại với tiếng máy cưa nên đã dẫn đến tình trạng giáo viên nói nhưng học trò không thể nào nghe được. “Có hôm phải đứng lớp nhiều tiết, do phải nói lớn cho các em nên về nhà cổ họng đau rát không chịu nổi. Cứ như vầy chẳng mấy chốc mà không mắc bệnh viêm họng” - cô Trang chia sẻ.
Cũng như cô Trang, cô Đào Thị Mỹ Trinh, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường, đã phải xin nghỉ phép một tuần để đi bệnh viện điều trị bệnh viêm họng. Theo cô Trinh, nguyên nhân một phần do phải nói to hơn bình thường trong lúc giảng bài.
Theo quy hoạch của UBND TP.Biên Hòa, khu xưởng gỗ của ông Quyền thuộc khu quy hoạch mở rộng Trường THCS-THPT và dạy nghề Tân Hòa. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được giá đền bù nên các hộ dân chưa chịu nhận tiền, trả mặt bằng mà vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh. |
Không chỉ các thầy cô mà cả các em học sinh trong nhà trường cũng rất bức xúc vì tiếng ồn. Em Trần Minh Khánh, học sinh lớp 10A3, than thở để chống lại tiếng ồn và bụi bặm nên cứ vào tiết học là lớp em phải đóng tất cả các cửa lại để nghe bài giảng, nhưng tiếng máy cưa quá lớn nên chỉ nghe câu được câu mất, dẫn đến việc tiếp thu bài giảng không đầy đủ. Khánh lo lắng: “Không biết chúng em phải học trong tình trạng vừa học vừa bị tra tấn tiếng ồn này đến khi nào. Những ngày trời nắng nóng, đóng các cửa lại thì ngột ngạt do thiếu không khí. Trời mưa thì thiếu ánh sáng. Nếu cứ học kiểu này không biết cuối năm kết quả học tập của chúng em sẽ ra sao?”.
* Bao giờ khắc phục?
Theo thầy Chu Mạnh Chi, do không thể thay đổi giờ học của các em nên nhà trường đã nhiều lần qua gặp chủ xưởng để thương lượng, có biện pháp giảm tiếng ồn, tránh gây mất tập trung cho các em trong giờ học. Tuy nhiên, ông chủ nhà xưởng đã không hợp tác và vẫn tiếp tục cưa cây. Không còn cách nào khác, nhà trường phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Trước đây, theo phản ánh của Ban giám hiệu Trường Tân Hòa, phóng viên Báo Đồng Nai đã đến gặp ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa, để làm việc. Ông Chính hứa sẽ cử cán bộ phường xuống tìm hiểu, giải quyết và trả lời bằng văn bản cho Báo Đồng Nai. Tuy nhiên, sau nhiều tháng chờ đợi, chúng tôi không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào từ phía UBND phường Tân Hòa.
Mới đây, sau nhiều lần hẹn chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Trung Chính. Ông Chính cho biết, do bận quá nhiều việc nên chưa thể giải quyết triệt để vấn đề nói trên! Ngày 2-10 vừa qua, sau khi làm việc với Báo Đồng Nai, UBND phường đã mời ông Nguyễn Ngọc Quyền, chủ xưởng gỗ, cùng đại diện khu phố, đại diện Ban giám hiệu nhà trường làm việc để tìm hướng khắc phục. Tại buổi làm việc, chủ xưởng thừa nhận có gây ra tiếng ồn khi sản xuất và đồng ý di dời điểm cưa, xẻ gỗ cách xa nhà trường hơn trong thời gian sớm nhất.
Văn Chính