Qua đường dây nóng Báo Đồng Nai, học sinh, sinh viên (HSSV) Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành) phản ánh về việc HSSV của trường đã đóng tiền bảo hiểm y tế (BHYT) từ đầu năm học này nhưng gần đây mới nhận được thẻ...
Qua đường dây nóng Báo Đồng Nai, học sinh, sinh viên (HSSV) Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành) phản ánh về việc HSSV của trường đã đóng tiền bảo hiểm y tế (BHYT) từ đầu năm học này nhưng gần đây mới nhận được thẻ...
Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (xã Long Phước, huyện Long Thành). Ảnh: V.Chính |
Điều đáng nói là thẻ BHYT mà HSSV mới được cấp chỉ có thời hạn sử dụng từ tháng 10 đến hết năm 2013 (3 tháng). Trong khi đó, các em đã đóng đủ tiền để tham gia trong một năm.
* Đăng ký 1 năm, hiệu lực 3 tháng
Chính vì việc chậm trễ này, không ít trường hợp HSSV do không có thẻ BHYT trong những tháng qua nên khi khám và điều trị bệnh đã phải tự bỏ tiền chi trả viện phí.
T., học sinh lớp 11, cho biết cách đây mấy tháng em bị bệnh phải đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành. Không có thẻ BHYT, T. không được hưởng chế độ mà phải thanh toán đầy đủ viện phí. Bức xúc, T. mang giấy viện phí về yêu cầu nhà trường giải thích thì được nhân viên phụ trách lĩnh vực này hứa sẽ chi trả lại. Lạ ở chỗ, người này đưa cho T. một tờ khai bảo hiểm tai nạn lao động, yêu cầu điền các thông tin vào và nộp lại cho nhà trường. Tuy nhiên, đến nay em T. vẫn chưa nhận được tiền viện phí từ phía nhà trường như đã hứa. “Bệnh của em chỉ là bệnh ngoài da, chi phí điều trị thấp nên gia đình còn lo được, chứ nếu mắc bệnh nặng, bệnh nan y, chi phí điều trị cao lại không có thẻ bảo hiểm thì sao gia đình gánh nổi?” - T. đặt vấn đề.
Tương tự, học sinh H. kể, cách đây khoảng 2 tuần, em tới Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành để khám và được các bác sĩ tiến hành tiểu phẫu. Cũng vì không được cấp thẻ BHYT nên gia đình H. đã phải bỏ tiền ra để chi trả tiền khám, chữa bệnh. Để làm rõ, gia đình H. đến gặp nhân viên phụ trách BHYT của trường để hỏi, thì được người có trách nhiệm hứa khi nào H. xuất viện nhà trường sẽ thanh toán lại.
* Chậm trễ do đâu?
Được biết, Trường Lilama2 vừa qua đã đăng ký BHYT cho 1.829 HSSV, mức thu phí 72 ngàn đồng/HSSV với thời gian được khám, chữa bệnh từ đầu tháng 10 cho đến hết năm 2013. “Việc ngành chức năng cấp trễ thẻ BHYT, người tham gia đã bị thiệt thòi. Riêng khoản phí BHYT các em đóng cả năm nhưng chỉ được sử dụng trong vòng 3 tháng là điều không bình thường” - một học sinh thắc mắc.
Trả lời về những thắc mắc của HSSV về chính sách BHYT đã tham gia, ông Trần Mạnh Chính, Trưởng phòng Kế toán Trường cao đẳng dạy nghề Lilama 2, thừa nhận ngay từ đầu năm học 2012-2013 nhà trường có thu tiền BHYT của HSSV. Về thời gian chậm cấp thẻ BHYT, ông Chính nêu lý do là nhà trường bận rộn trong công tác tuyển sinh, ổn định lớp học. Vì vậy, khi việc học của các em ổn định, nhà trường mới đưa danh sách đăng ký xin cấp thẻ BHYT thì đã qua đợt ngành chức năng nhận hồ sơ! Theo ông Chính, sau đó nhà trường phải năn nỉ lắm thì cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Long Thành mới chịu giải quyết cấp thẻ cho học sinh của trường.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Long Thành, cho biết vào đầu năm học hàng năm cơ quan bảo hiểm xã hội đều gửi văn bản thông báo tới các trường học trên địa bàn huyện về thời gian thực hiện BHYT. Bà Ánh khẳng định: “Đến tháng 9-2013 chúng tôi không nhận được bất kỳ danh sách đăng ký cấp thẻ BHYT cho HSSV từ phía trường Lilama 2. Nếu trước đó nhà trường gửi danh sách đến thì không có bất kỳ lý do nào để chúng tôi từ chối” - bà Ánh nói.
Văn Chính