Cho rằng chính quyền địa phương đã làm ngơ để bà L. chiếm đất của gia đình mình chôn cất người chết nên bà E., ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi...
Cho rằng chính quyền địa phương đã làm ngơ để bà L. chiếm đất của gia đình mình chôn cất người chết nên bà E., ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi...
* Cố tình vi phạm
Khi phát hiện gia đình bà L. cho đào huyệt, chuẩn bị chôn cất người chết ngay tại khu đất phía sau nhà mình, bà E. tức tốc lên UBND xã Long Tân trình báo. Thế nhưng, do là ngày nghỉ nên hôm sau đơn của bà E. mới đến tay lãnh đạo xã. Lúc đó gia đình bà L. đã đào xong huyệt mộ.
Phần mộ mới xây của người thân bà L. tại phía sau nhà bà E. |
Chính quyền địa phương đã đến gia đình vận động, giải thích việc chôn cất người quá cố tại vị trí đó không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Lãnh đạo xã còn gợi ý, nếu chuyển người chết đến chôn ở nghĩa trang xã Long Thọ thì gia đình bà L. sẽ được hỗ trợ đào mộ và 1 xe ô tô để đưa khách đi viếng. Thế nhưng bà L. kiên quyết không đồng ý, cho rằng đã đào huyệt và xây kim tĩnh hoàn tất. Lấy lý do là người chết không thể đào hai huyệt vì sẽ ảnh hưởng đến con cháu sau này nên gia đình bà L. vẫn tiến hành lo hoàn tất hậu sự cho người chết ở phần đất đã chuẩn bị, bất chấp sự phản đối của bà E. cũng như chính quyền địa phương.
Trước vấn đề hết sức tế nhị này, bà E. bức xúc: “Chỗ chôn cất người chết nằm ngay sau nhà các hộ dân, chỉ cách vách tường nhà tôi khoảng 3m và cách giếng nước 5m. Nếu không dời ngôi mộ này đi nơi khác sẽ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở khu dân cư”.
* Chính quyền địa phương nói gì?
Giải trình về sự việc “đã rồi”, ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Long Tân, cho biết do lần đầu xử lý tình huống khác thường này nên xã có phần lúng túng. Trong khi đó, gia đình bà L. đang có tang nên địa phương không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính. Hơn nữa, bà L. còn dọa sẽ không chôn người thân ở bất cứ chỗ nào khác, mà sẽ để quan tài trên đất, nếu chính quyền cản trở. Chính vì vậy, dù rất muốn giải quyết, song lãnh đạo xã đành… bất lực.
Nhận định về ngôi mộ mới chôn gần khu dân cư, một số hộ dân sinh sống gần đó cho rằng chính quyền địa phương đã thiếu kiên quyết khi giải quyết vụ việc. Bởi nếu đã là đất công thì không thể để xảy ra chuyện chiếm dụng, vì sẽ trở nên phức tạp một khi Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, trường hợp này được “du di” thì trường hợp khác sẽ làm theo, tạo tiền lệ không hay rất khó xử lý. |
Theo ông Phúc, việc bà E. khiếu nại gia đình bà L. xây mộ trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình là không đúng với bản đồ địa chính xã. Bởi phần đất được bà L. lập mộ cho người thân nằm trong tổng diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà E. Tuy nhiên, thời điểm cơ quan chức năng thực hiện cấp sổ đỏ cho bà E., đã căn cứ theo bản đồ cũ nên không chính xác. Gần đây, khi cập nhật bản đồ mới thì phần đất này thuộc quản lý của địa phương. Thực ra, trên phần đất mà bà E. khiếu nại đã có hơn 10 mộ phần thuộc dòng tộc nhà bà L., nhưng đây không phải là nghĩa trang mà là đất quy hoạch phát triển khu dân cư. “Để khắc phục hậu quả vụ việc, UBND xã đã yêu cầu bà L. ký cam kết sẽ di dời mộ khi Nhà nước có chủ trương di đời. Mặt khác, địa phương sẽ thỏa thuận trong việc hỗ trợ đóng một cái giếng mới để gia đình bà E. sử dụng” - ông Phúc nói.
Gia An