Báo Đồng Nai điện tử
En

Chật vật mua vé tàu tết

11:10, 20/10/2013

Sau 10 ngày mở đợt bán vé tàu Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhiều hành khách đến ga Biên Hòa đã không thể mua vé do lượng vé bán ra đã hết.

 

Sau 10 ngày mở đợt bán vé tàu Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhiều hành khách đến ga Biên Hòa đã không thể mua vé do lượng vé bán ra đã hết.

Mặc dù Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ tăng số lượng chuyến tàu để phục vụ hành khách về quê miền Trung và miền Bắc trong dịp Tết Nguyên đán 2014; đồng thời bán vé qua website vetau.com.vn nhưng tại ga Biên Hòa, nhiều người phải mất khá nhiều thời gian để “săn” vé tàu vẫn không có vé, đặc biệt là tuyến về miền Trung.

* Hết vé?

Vừa vào đến nhà gửi xe, chị N.T.T., ngụ phường Long Bình (TP.Biên Hòa), được một nhân viên giữ xe nhắc ngay: Vé tàu Tết hiện đã hết, nếu có nhu cầu thì liên hệ, anh ta sẽ chỉ chỗ mua. Chị T. đọc trên bảng thông tin về lịch trình và giá vé các chuyến tàu, thì thấy có bán vé về Nam Định vào ngày 25 hoặc 26 tết, nhưng khi vào quầy hỏi thì nhân viên trả lời vé đã hết. Chị T. hỏi những ngày khác cũng nhận được câu trả lời: Hết vé.

Rất ít hành khách xem bảng giá vé tại ga Biên Hòa. Ảnh: HẢI ĐĂNG
Rất ít hành khách xem bảng giá vé tại ga Biên Hòa. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Trở ra phía cổng nhà ga, chị T. gặp một người đàn ông đang “tiếp thị” cho hai mẹ con chị N.T.S đi mua vé về Vinh vào 28 tết. Người đàn ông nói: “Vé đi Vinh bây giờ làm gì có, phải mua vé đi Thanh Hóa. Hiện tại vé trong ga hết rồi, nếu muốn mua thì tôi tìm vé “ngoài” giùm cho”. Ông này ra giá, phải trả thêm mỗi vé 300 ngàn đồng thì đảm bảo có vé ngay. Thực tế, vé tàu đi Thanh Hóa ở mức 1.440.000-1.948.000 đồng/vé tùy theo loại ghế ngồi. Tương tự, khi nghe chị T. đặt vấn đề, ông ta cũng ra giá như đã nói với chị S. Chị T. cũng được ông ta chỉ đường, muốn về Nam Định phải mua vé tàu về Hà Nội. Nếu tính giá vé “thị trường” mà người đàn ông đưa ra, để có được 4 vé đi Hà Nội, chị T. phải trả thêm 1,2 triệu đồng. Thấy số tiền khá lớn, chị T. năn nỉ bớt, ông ta liền nói: “Chúng tôi đâu phải người in vé nên chỉ được “huê hồng” vài chục ngàn đồng thôi. Giờ này mà tìm mua vé tàu không phải dễ, có là may rồi. Nếu chị đồng ý thì tôi mua giùm, không thì thôi”.

* Coi chừng vé giả?

Đồng cảnh ngộ như nhiều người khác, chị T.T.V. cũng đang nóng lòng muốn tìm mua vé về Tam Kỳ (Quảng Nam) nhưng dù đã đi nhiều ngày chị vẫn chưa có vé. Không còn cách nào khác, chị V. phải cầu cứu mấy “cò vé” phía bên ngoài ga.

Ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng ga Biên Hòa, cho biết năm nay người dân lựa chọn đi ngày 25, 26 tháng Chạp khá nhiều nên vé các ngày này đã hết. Theo ông Ân, chỉ có những ngày trên là vé “cháy” hết, còn những ngày khác vẫn có vé. Ông Ân cảnh báo: Người dân nên xem kỹ vé, lịch trình chuyến tàu trước khi nhận vé để tránh tình trạng mua phải vé giả. Đặc biệt, không nên nghe lời “cò” mua vé không ghi đúng tên. Bởi người cầm những vé lậu đó sẽ không được lên tàu. Hiện ở ga Biên Hòa có thông báo về 5 mác tàu Thống Nhất dừng đón trả khách tại ga Biên Hòa: SE2, SE6, SE8, TN4, TN18.

Thường xuyên túc trực và quan sát khá kỹ những người ra vào ga là một nhóm khoảng 4-5 người ngồi ở ngoài cổng và ngay tại khu vực bãi đậu xe. Hễ thấy khách vào ga là họ đến gặp để mời chào mua vé giúp. Số người này “rành” về những chuyến tàu trong dịp Tết Giáp Ngọ đến nỗi họ trả lời vanh vách tuyến nào, giờ nào. Sau khi “tiếp thị”, họ không quên dặn hờ một cách chắc chắn: “Cứ vào quầy hỏi nhân viên vé đi, nếu không còn thì ra đây tôi chỉ cách mua”. Để khách hàng yên lòng, họ còn trấn an và bảo đảm vé họ bán là thật. Khi nghe hỏi, trên vé ghi không đúng tên thì sao, họ trả lời chắc nịch: Dù vé có khác tên thì ông, bà vẫn được lên tàu. Để khách tin, một người trong nhóm này khẳng định: “Tới ngày lên tàu cứ gọi tôi. Tôi lúc nào cũng ở đây, đưa ông, bà lên chỗ ngồi đàng hoàng”.

Có thể nói, những năm qua tại ga Biên Hòa có tình trạng khách mua vé bị nhầm về chuyến đi hoặc tàu ghé. Nhiều trường hợp mua vé qua “cò”, do không để ý nên có chuyến không biết tàu được khởi hành từ ga Sài Gòn, và không dừng đón khách ở ga Biên Hòa. Khi ấy, mọi chuyện đều “lỡ nhịp”, đành ngậm ngùi mua vé xe đò về quê.

Minh Quân

 

 

 

 

Tin xem nhiều