Đọc các bài viết về hậu khai thác khoáng sản trên Báo Đồng Nai, tôi thấy vai trò của cơ quan chức năng khá mờ nhạt.
Đọc các bài viết về hậu khai thác khoáng sản trên Báo Đồng Nai, tôi thấy vai trò của cơ quan chức năng khá mờ nhạt. Điều này thể hiện rõ ở chỗ: Trong quá trình khai thác, các mỏ đá đã gây ra ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đến khi khai thác xong thì để lại những “hố tử thần” sâu thăm thẳm nhưng chẳng bị xử phạt, chế tài gì.
Những “thung lũng” tại mỏ đá Hóa An chưa được khắc phục môi trường sau khi ngừng khai thác. (Ảnh minh họa) |
Là độc giả, tôi thấy nguyên nhân của những tồn tại sau khai thác, một phần là do cơ quan chức năng thiếu kiên quyết xử lý. Mặt khác, ý thức và trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp không cao nên sau khi tận thu khoáng sản, họ đã dửng dưng trong việc giải quyết hậu khai thác. Thiết nghĩ, để có thể khai thác ở 41 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp phải hoàn tất các thủ tục và được sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng. Trong đó có cả cam kết và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Điều 30, Chương VI của Luật Khoáng sản quy định rõ về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, như báo chí đã thông tin, hiện có rất nhiều mỏ đá khai thác xong vẫn không được khắc phục độ sâu mà để lại những vực thẳm rất nguy hiểm cho dân cư quanh khu vực. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật; bên cạnh đó cơ quan có thẩm quyền cũng không tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý đến nơi đến chốn.
Trần Quang Đạt
(xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất)