Thời gian gần đây, tại những cánh đồng lúa ở ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) xuất hiện nhiều nhóm người đến xới tung đất lên để lấy than bùn. Tình trạng khai thác khoáng sản này ngày càng trở nên rầm rộ.
Thời gian gần đây, tại những cánh đồng lúa ở ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) xuất hiện nhiều nhóm người đến xới tung đất lên để lấy than bùn. Tình trạng khai thác khoáng sản này ngày càng trở nên rầm rộ.
Vùng quê xã Phú Sơn vốn yên bình, nay ồn ào hẳn khi mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải chở than đi lại cày nát nhiều đoạn đường. Trong khi người dân bức xúc trước việc đất lúa bị đào xới đem đi nơi khác thì cơ quan chức năng lại tỏ ra khá bình thản.
* Ruộng đồng thành... bãi than
Từ những năm 1980, người dân phát hiện trên cánh đồng ấp Phú Lâm 4 có than bùn. Mỏ khoáng sản này ước rộng khoảng vài chục hécta. Sau đó, một số người tiến hành khai thác nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu bón cây. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty sản xuất phân vi sinh có nhu cầu mua than bùn với số lượng lớn thì việc khai thác trở nên rầm rộ hơn.
Ô tô, máy cày hoạt động nhộn nhịp trên công trường khai thác than bùn tại ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. |
Ngay từ mờ sáng, những chiếc xe tải từ quốc lộ 20 ầm ầm tiến vào đường Năm Miên, một bên là xã Phú Sơn và bên kia là xã Phú Trung. Đây là đường liên xã, được người dân góp kinh phí tu bổ hàng năm, nhưng gần đây do xe tải “cày” liên tục nên nhiều chỗ thành ổ voi, ổ trâu. “Họ cho xe chạy nát đường, khi không thể đi được nữa thì mới lấy đất đá dặm vá sơ sài. Đang vào mùa mưa nên đường trở nên sình lầy, rất khó đi. Tình cảnh học sinh bì bõm lội qua những vũng bùn nhão nhoẹt, rất tội nghiệp” - chị Thái Thị Hà, người dân địa phương, cho hay.
Dù đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại, trực tiếp đến Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú xin gặp lãnh đạo để trao đổi một số vấn đề xung quanh bãi than ở xã Phú Sơn nhưng chúng tôi đều bị từ chối. |
Có mặt tại cánh đồng lúa xã Phú Sơn vào một ngày giữa tháng 9 vừa qua, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng đất đai bị xới tung lên, tạo thành hố sâu lỗ chỗ rất nham nhở. Bên cạnh đó là những bãi than lộ thiên với hàng chục công nhân người dính bụi than đen sì đang cào gạt, xúc than vào bao; máy ủi, máy sàng hoạt động không nghỉ. Chỉ tay vào những bàu nước phía xa, một người trong nhóm đang khai thác than kể, ngày trước khu đất ấy là mỏ than lộ thiên. Sau khai thác, vì không được lấp lại nên đất lúa trở thành những hố, hốc lồi lõm, mưa xuống thành... ao, nông dân chẳng sản xuất được. Lúa là cây lương thực chính của người dân xã Phú Sơn, nhưng vì khoản tiền khá lớn, nhiều hộ đã bán đứt ruộng cho các công ty, cá nhân để họ khai thác than bùn. Tuy nhiên, số tiền này cũng dần vơi cạn, trong khi “bát cơm” không còn, nhiều người quay sang làm công nhân cho các chủ mỏ ngay trên mảnh đất của mình.
* Chính quyền địa phương nói không có
Xe tải của các công ty không chỉ đi vào bãi than qua đường Năm Miên mà còn vào bằng đường bê tông chỉ cách UBND xã Phú Sơn chừng 500m. Điều đáng nói là một số bãi đang khai thác than bùn gần khu dân cư nên hàng ngày bụi than bay mù mịt vào nhà dân, rơi cả xuống giếng nước đang sử dụng.
Người lao động làm việc bên bãi than. |
Cảnh hoạt động ở bãi than khá nhộn nhịp với nhiều xe tải, xe ủi, máy sàng chạy rầm rầm, nhưng Chủ tịch UNBD xã Phú Sơn Trần Văn Khắc khẳng định, không hề có tình trạng này. Ông Khắc cho biết, do nhà ở gần nên hàng ngày đều đi qua khu vực đó, chẳng phát hiện gì, nếu có chỉ là các đơn vị khai thác tận thu, nạo vét những phần còn lại trên bờ lúa. Khi nghe chúng tôi phản ảnh người dân rất lo lắng về việc xe tải, máy xúc cày nát đường, để lại hệ lụy cho dân cư, nhất là về tai nạn giao thông, ngoài ra, khói bụi từ các “công trường” khai thác đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì ông Khắc cho rằng, giao thông xuống cấp là phần đường thuộc bên xã Phú Trung. Đường của xã Phú Sơn được những công ty khai thác than bỏ tiền ra bê tông hóa hết. Riêng vấn đề ô nhiễm, theo ông Khắc thì ý kiến người dân không đúng bởi khu vực khai thác nằm xa khu dân cư.
Chứng kiến từng đoàn xe nối đuôi nhau vào chở than bùn, chúng tôi không khỏi xót xa cho những cánh đồng lúa ngày trước xanh tươi, giờ đã nham nhở; ruộng đồng bị đào bới vô tội vạ. Đáng nói là những nông dân giờ không còn đất trồng lúa thì cuộc sống của họ mai này sẽ ra sao; nếu cứ thờ ơ với việc khai thác than bùn ở địa bàn này thì loại khoáng sản được xem như “vàng đen” ngày càng cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Những người ở xã Phú Sơn khi gặp chúng tôi đều cho rằng họ ám ảnh về một vùng đất lúa đang bị thu hẹp.
Thạch Tân