
Những ngày qua, người dân ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) không khỏi thương tâm về trường hợp một bé gái 6 tuổi bị chết, nguyên nhân ban đầu là do chó cắn.
![]() |
Chị gái bé Nguyễn Thị Thu Hiền hàng ngày nhang khói cho em. |
Những ngày qua, người dân ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) không khỏi thương tâm về trường hợp một bé gái 6 tuổi bị chết, nguyên nhân ban đầu là do chó cắn.
Sự ra đi đột ngột của con gái anh Nguyễn Thành Nhân, ngụ ấp 4, xã Gia Canh đã nửa tháng, nhưng dường như không khí tang thương vẫn bao trùm trong gia đình. Anh Nhân kể, cách đây hơn 2 tháng khi đang chơi với bạn ở nhà hàng xóm thì bé Nguyễn Thị Thu Hiền, con gái thứ hai của anh bị chó cắn. Do chủ quan, nghĩ rằng chó nuôi trong nhà nên gia đình không đưa bé Hiền đi chích ngừa. Sau một thời gian, bé Hiền có những biểu hiện của bệnh dại và qua đời vào ngày 11-9-2013. Vợ anh Nhân vì quá đau lòng về cái chết của con gái nên liên tục đổ bệnh. Căn nhà lạnh lẽo hiện vẫn còn để bàn thờ nhỏ có di ảnh của bé Hiền.
Sau cái chết của bé Hiền, nhiều gia đình ở xã Gia Canh mới hối hả gọi cán bộ thú y đến tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo trong nhà. Đánh giá về công tác tiêm phòng các bệnh bắt buộc trên gia súc, gia cầm nói chung và chó, mèo nói riêng, ông Hoàng Văn Khương, cán bộ thú y xã Gia Canh, cho rằng có một số vụ bị chó cắn nhưng không ít người chủ quan, chẳng cần chích ngừa. Trong khi đó, nhiều gia đình còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm với việc tiêm ngừa định kỳ cho chó, mèo, mặc dù hàng năm xã đều tuyên truyền vận động người dân tích cực thực hiện quy định này. Sau khi bé Hiền qua đời vì bệnh dại, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ thú y đi tiêm phòng cho chó, mèo của từng hộ dân. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được sự hưởng ứng của 100% hộ dân nên đã tiêm ngừa cho khoảng 200 con chó” - ông Khương nói.
Virus bệnh dại từ nước miếng con chó nhiễm bệnh truyền qua cơ thể người bị cắn. Sau chừng 2 tháng, người bị chó cắn sẽ biểu lộ những triệu chứng của bệnh dại, như: sốt, mệt mỏi, mất ăn mất ngủ. Sau đó người bệnh cảm thấy lo sợ vô cớ, tinh thần hoảng loạn. Tiếp đến bệnh nhân trở nên điên dại và cơ thể co giật hoặc bị tê liệt. Quá nửa bệnh nhân cứ thấy nước là sợ vì các bắp thịt ở cổ họng thắt lại một cách đau đớn làm cho người bệnh không dám gần nước và không uống nước được. Thời kỳ sau, bệnh nhân lúc tỉnh lúc mê rồi dần dần mê man, cơ thể tê liệt và chết. Chỉ một số ít bệnh nhân sống sót, hầu hết đều nhờ đã được chích ngừa trước hoặc sau khi bị chó dại cắn. Bệnh dại rất nguy hiểm vì không có triệu chứng trước khi bệnh được phát hiện. |
Trao đổi với chúng tôi xung quanh công tác chích ngừa cho vật nuôi, ông Lê Tấn Việt, quyền Trưởng trạm Thú y huyện Định Quán, thừa nhận đa số hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn huyện đều thả rông. Đây là nguy cơ cao, một khi chó hay mèo cắn người. Đáng kể là người nuôi chó, mèo lại khá bình thản trong việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi. Theo ông Việt, chó, mèo là những vật nuôi thân thuộc đối với mỗi gia đình nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Vì vậy, việc chủ động tiêm phòng các bệnh bắt buộc cho loài thú này là cần thiết. Mới đây, UBND huyện Định Quán đã phê duyệt kế hoạch tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi trong nhà ở tất cả 14 xã, thị trấn.
Có thể nói, nếu các gia đình đều nghiêm túc thực hiện quy định về tiêm phòng bệnh dại cho những con vật cưng; mọi người đừng chủ quan không đi tiêm phòng bệnh dại khi bị chó cắn thì câu chuyện đau lòng như bé Hiền sẽ không thể xảy ra.
Hải Hậu