Sau khi Báo Đồng Nai có bài phản ảnh về tình trạng khai thác than bùn ở ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn, ông Lương Như Phong, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tân Phú đã có phản hồi....
Báo Đồng Nai phản ảnh về tình trạng khai thác than bùn ở ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú). Sau khi báo phát hành, chiều cùng ngày, ông Lương Như Phong, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú, đã báo cáo qua điện thoại với lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường và có trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, khẳng định không hề xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Phú như báo đã thông tin.
Một trong những bãi khai thác than bùn tại tổ 2, ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú . |
Ông Phong còn tuyên bố, ảnh kèm bài “Ồ ạt khai thác than bùn” là ảnh cũ, hoặc chụp ở đâu đó chứ không phải ở xã Phú Sơn!
Một trong hàng chục điểm đặt máy khai thác than bùn ngay tại bờ ruộng. |
Trong khi đó, cùng thời điểm này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có mặt tại khu vực khai thác than bùn và phát hiện không chỉ có một vài điểm, mà còn có tới hàng chục vị trí lắp đặt máy móc để tận thu than bùn. Đáng kể là đường vào khu vực khai thác than đã xuống cấp nghiêm trọng với nhiều dấu vết xe tải, khiến cho việc đi lại của người dân rất cơ cực. Ngoài ra, xung quanh ruộng đồng ngày trước hiện giờ rất nham nhở với nhiều mảng màu xanh - đen xen kẽ cùng những hố sâu đã qua khai thác nhưng không lấp lại...
Đường vào khu khai thác than bùn hiện xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh chụp chiều ngày 23-9-2013). |
Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề khai thác khoáng sản tại xã Phú Sơn (huyện Tân Phú), ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, trên địa bàn huyện Tân Phú có 2 xã: Phú Sơn và Núi Tượng được quy hoạch khai thác khoáng sản than bùn. Theo kế hoạch, đến năm 2014 mới bắt đầu khai thác. Hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào được giới thiệu, cho phép khai thác tại những điểm trên: “Nếu để tình trạng khai thác than bùn trái phép diễn ra ồ ạt nhưng cơ quan chức năng tại địa phương không hay biết thì khi phát hiện, chúng tôi sẽ kiểm điểm trách nhiệm theo quy định” - ông Thường nhấn mạnh.
Ngọc Liên (ghi)
* Ông Trương Văn Luật, ngụ ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn: Dân phản ảnh mãi nhưng tình trạng khai thác than bùn vẫn diễn ra Mấy ngày qua, do trời mưa bão nên các chủ bãi than bùn mới ngưng khai thác. Còn trước đó ít ngày, cứ trời nắng là họ tổ chức hoạt động rầm rầm. Có những đợt họ huy động 3-4 máy múc chạy suốt ngày đêm. Việc tận thu tới mức có những khoảnh ruộng bị khai thác tới lớp đá bàn mới chịu ngưng, tạo nên các hố sâu chỉ để lục bình mọc, không nuôi cá được. Nhà tôi nằm cạnh một số điểm xay nghiền cho nên lúc nào bụi cũng bay vào nhà, giếng nước không sử dụng được. Quá bức xúc, vợ tôi mang xe máy ra chặn không cho xe tải vận chuyển than, liền bị các chủ bãi dọa đốt xe. Trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, vợ tôi có phản ảnh tình trạng khai thác than bùn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nhưng sau đó tình hình chẳng có gì thay đổi. * Bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ ấp Phú Lâm 5, xã Phú Sơn: Khai thác than bùn đã ảnh hưởng đến sản xuất Tình trạng khai thác than bùn ở xã Phú Sơn đã diễn ra vài năm nay. Nhà tôi có 4,5 sào ruộng lúa nằm gần các điểm khai thác than bùn nên bị ảnh hưởng tới canh tác. Về mùa khô, ruộng ở gần những hố đã khai thác đều thiếu nước trầm trọng. Nếu bơm chống hạn cứu lúa cũng chỉ qua một ngày là bị các hố sâu rút hết nước. Về mùa mưa thì nước từ các hố này dâng lên, lục bình tràn ra gây ách tắc dòng chảy dẫn đến ngập lụt thường xuyên. Có những vụ lúa vừa trổ bông thì ruộng bị ngập, kéo dài vài ba ngày, coi như nông dân mất trắng. Vụ lúa vừa rồi một số diện tích nằm xa khu vực khai thác than bùn còn xuống giống được, chứ mấy ruộng nằm gần hố khai thác bùn đành để hoang, bởi có canh tác cũng lỗ vốn. Nông dân chúng tôi kêu mãi rồi nhưng chẳng thấy chuyển biến gì. * Ông Vũ Ngọc Thành, tổ 1, ấp Phú Lâm 4: Các chủ bãi đang mở rộng diện tích khai thác than bùn Mấy sào ruộng của gia đình tôi thời gian qua rất khổ sở vì bị chuột phá hại. Nguyên nhân vì chủ các cơ sở khai thác than bùn đã mua đứt mấy chục hécta ruộng lúa của nông dân để khai thác than bùn. Do chưa khai thác hết nên các ruộng này bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đây chính là nơi lý tưởng để chuột phát triển, phá hại mùa màng. Năm rồi, lúa nhà tôi bị mấy “ông tý” từ các ruộng bỏ hoang tràn qua phá sạch. Thời gian gần đây, tôi thấy chủ các bãi than không chỉ tổ chức khai thác tại cánh đồng tổ 1, ấp Phú Lâm 4 mà đã rầm rộ chuyển hướng khai thác đến cánh đồng tại tổ 2, cách UBND xã không bao xa. Không hiểu lãnh đạo xã có biết thực trạng khai thác than bùn thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân hay không? Bà Nguyễn Thị Khen, ngụ ấp Phú Lâm 4, xã Phú Sơn: Có điều kiện tôi mua nhà chỗ khác ngay Nhà tôi nằm sát bên các bãi khai thác nên hàng ngày bị bụi than bùn phủ đầy trong nhà. Hàng ngày tôi phải lau 4-5 lần mà nhà vẫn bẩn, không thể chịu nổi. Thời gian qua do thường xuyên hít phải bụi than nên con tôi đứa nào cũng bị viêm đường hô hấp phải uống thuốc liên tục. Ngoài ra, 5-6 cái máy nghiền than cứ nổ ầm ầm suốt ngày, tôi muốn nghỉ ngơi cũng không được. Do chủ bãi than ít khi có mặt nên mỗi lần tôi phàn nàn về việc ô nhiễm môi trường cũng như ồn ào thì công nhân “khắc phục” bằng cách lấy bạt che qua loa. Gia đình tôi đã chịu đựng cảnh này nhiều năm rồi nên “ngán” ở đây lắm. Tôi mà có điều kiện thì chuyển gia đình đi chỗ khác ngay, vì ở đây chịu hết thấu. Mấy ngày qua chúng tôi rất mừng khi được “an thân” bởi trời mưa bão nên họ tạm ngưng khai thác. Ông Phan Hồng Phương, tổ 7, ấp Phú Lợi, xã Phú Trung: Con trai tôi bị đuối nước ngay tại hố khai thác than bùn Gia đình tôi từ miền Tây lên đây sinh sống. Vì không có ruộng rẫy nên con trai tôi là Phan Hoàng Phương xin làm công nhân điều khiển máy xay, nghiền than bùn. Ngày 25-11-2011 sau khi hết giờ làm, cháu Phương đi ra hố khai thác than để hái bông súng. Do trượt chân nên bị ngã, mọi người nhìn thấy nhưng không ai dám xuống cứu vì mực nước quá sâu. Gia đình tôi phải thuê thợ lặn tìm kiếm một ngày sau mới thấy xác. Con tôi chết khi vợ mới sinh con được mấy tháng. Cháu mất rồi, có phiền trách cũng không sống lại được, nhưng tôi thấy giá như sau khai thác, họ lấp hố lại thì chắc chắn không xảy ra hậu quả này. Do không được rào chắn và cắm biển nguy hiểm nên trước thời điểm con tôi mất, cũng tại “hồ” nhân tạo này đã có một cháu bé bị đuối nước. Văn Chính |
[links()]