Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai chịu trách nhiệm về hậu khai thác khoáng sản?

07:09, 12/09/2013

Báo Đồng Nai đăng bài Hậu khai thác khoáng sản, nêu tình trạng 41 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc khai thác nhưng đến nay đa số vẫn chưa phục hồi, trả lại hiện trạng môi trường.

Báo Đồng Nai đăng bài Hậu khai thác khoáng sản, nêu tình trạng 41 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc khai thác nhưng đến nay đa số vẫn chưa phục hồi, trả lại hiện trạng môi trường. Trước những vực sâu thăm thẳm còn tồn tại sau khai thác, nhiều ý kiến bạn đọc thể hiện sự bất bình về sự thiếu trách nhiệm này...

“Thung lũng” ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa) do khai thác đá. Ảnh: N.LIÊN
“Thung lũng” ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa) do khai thác đá. Ảnh: N.LIÊN

Ông Nguyễn Quốc Hưng, ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An (TP.Biên Hòa): Tính mạng người dân bị đe dọa.

Các công ty khai thác đá trên địa bàn xã Hóa An ngưng hoạt động, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại xuất hiện nỗi lo cho sự an toàn tính mạng người dân, nhất là trẻ em. Khu dân cư chúng tôi rất nhiều gia đình có trẻ em. Trong khi đó, vực sâu sau khai thác đá lại ngay trên địa bàn, một số người hàng ngày dắt con em xuống đây câu cá và tắm. Nếu chẳng may xảy ra tai nạn thì sẽ khó cứu bởi độ sâu của các “thung lũng” này gần 100m. Nghe nói sau khi khai thác, các doanh nghiệp phải san lấp hố, trả lại hiện trạng, nhưng mới chỉ thấy họ làm hàng rào và trồng cây. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi rất lo lắng về sự an nguy của con em mình.

Bà Nguyễn Thị Thuyền, ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An (TP.Biên Hòa): Đá chất đống ngổn ngang, không ai chịu dọn.

Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị đơn vị khai thác đá phải dọn dẹp hết những đống đá bên đường nhưng họ chỉ hứa rồi để đó. Những đống đá trải dài hàng chục mét với độ cao khoảng 2-3m lâu nay vẫn tồn tại cạnh đường ray xe lửa, che khuất tầm nhìn của người đi đường nên rất nguy hiểm khi tàu chạy qua. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp nhắc nhở các công ty có trách nhiệm sớm dọn dẹp sạch những đống đá hai bên đường trả lại sự thông thoáng để người dân yên tâm. Ngoài ra, cần khắc phục những vực thẳm vì trẻ em thường đến đó chơi, tắm tại các hồ “nhân tạo” này. Tôi nghĩ rằng, rất khó nói trước điều gì sẽ xảy ra một khi khu vực này chưa được trả lại hiện trạng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ ấp Ông Hường, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu): Hàng ngày bị tra tấn bởi tiếng ồn, nhà cửa thì nứt nẻ.

Nhà ông Nguyễn Văn Hòa, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) bị rạn nứt nhiều chỗ.
Nhà ông Nguyễn Văn Hòa, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) bị rạn nứt nhiều chỗ.

Từ ngày mỏ đá BBCC tiến hành khai thác đá đến nay, người dân chúng tôi không một ngày nào được yên ổn bởi tiếng ồn và bụi từ các mỏ đá này. Những mỏ đá chỉ cách khu dân cư chừng 200m nên mỗi lần mìn nổ là nhà cửa của chúng tôi rung lên bần bật. Từ đó đến nay, đã có nhiều nhà bị nứt nẻ. Không chỉ bị tra tấn bởi tiếng mìn nổ, mà âm thanh nghiền đá, các đoàn xe tải ben ầm ầm ra vào khu mỏ cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống của người dân nơi đây chẳng khi nào được yên ổn. Đáng kể là có mỏ đá đã ngừng khai thác, để lại những hố sâu vài chục mét giờ vẫn chưa được san lấp, phục hồi lại. Vì vậy, cứ đến mùa khô là hầu hết các giếng đào của người dân nơi đây bị cạn kiệt, nước do các hố sâu rút hết mạch nước ngầm dẫn đến chỗ thiếu nguồn nước sinh hoạt.

Ngày 29-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Theo đó, việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái gồm: đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật... tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Ông Nguyễn Tấn Tài, ngụ xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu): Bán nhà để đi nơi khác nhưng chẳng ai mua!

Có sống gần các mỏ khai thác đá thì mới hiểu hết được nỗi khổ của người dân chúng tôi khi phải hít thở bụi đá mịt mù suốt ngày đêm. Bụi đến nỗi, chỉ cần vô tình không khép cửa khoảng nửa tiếng đồng hồ thì quần áo và các vật dụng và vách nhà bị bụi bám thành lớp. Gia đình tôi đã nhiều lần treo bảng bán nhà để đi chỗ khác cho yên ổn. Nhưng người nào tới hỏi giá đều không quay trở lại và họ cho biết ở đây quá bụi và ồn ào nên không mua nữa. Được biết, trong số các mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn xã Thiện Tân, có 4 mỏ đã khai thác xong nhưng hiện tại vẫn đang còn tận thu. Nếu các mỏ đá đã hoàn thành khai thác mà còn tiếp tục moi móc sẽ càng tăng thêm ô nhiễm môi trường cho khu dân cư. 

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu): Chính quyền địa phương mệt mỏi vì dân kêu.

Hiện nay, trên địa bàn xã Thiện Tân gần như “phủ kín” bởi các mỏ đá, trong đó có những mỏ đang hoạt động và một số mỏ đã hoàn thành khai thác. Những năm qua, chính quyền địa phương nhận được rất nhiều kiến nghị của các hộ dân về: tiếng ồn, bụi đá mù mịt, nhà dân bị nứt do nổ mìn khai thác đá... Mặc dù các mỏ đá này nằm trên địa bàn của xã nhưng không thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương. Do đó, sau khi nhận đơn phản ảnh, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở doanh nghiệp tìm hướng khắc phục. Tôi nghĩ rằng, đây mới là biện pháp tạm thời, về lâu về dài cần thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản, nhất là những khu vực đã khai thác xong thì phải có trách nhiệm trả lại môi trường.

Ngọc Liên - Văn Chính

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều