Báo Đồng Nai đã đăng "Ớn lạnh xưởng tái chế nhựa", phản ảnh về hàng chục xưởng nấu nhựa tái chế tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) gây ô nhiễm môi trường...
Báo Đồng Nai đã đăng "Ớn lạnh xưởng tái chế nhựa", phản ảnh về hàng chục xưởng nấu nhựa tái chế tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) gây ô nhiễm môi trường...
Một cơ sở tái chế nhựa vẫn tiếp tục sản xuất (ảnh chụp ngày 31-7-2013). |
Tuy nhiên, bất chấp dư luận lên tiếng và người dân phản đối, các xưởng nấu nhựa và cao su tái chế này vẫn ngang nhiên hoạt động làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
* NGANG NHIÊN HOẠT ĐỘNG
Một ngày cuối tháng 7, trở lại nơi sản xuất nhựa tái chế mà người dân cho là “cụm công nghiệp” chui này, chúng tôi thật bất ngờ vì các xưởng nấu nhựa vẫn hoạt động nhộn nhịp như chưa có chuyện gì xảy ra. Những cột khói đen bốc cao, và mùi hôi thối nồng nặc. Không chỉ hoạt động ban ngày, có một số xưởng hoạt động đến khoảng 2-3 giờ sáng mới ngưng. Tại những khu vực sản xuất, nhiều đống nguyên liệu gồm ny-lông cũ, bao PP phế liệu mới được chở về chất chồng, tràn ra cả lối đi chung và thường xuyên rỉ nước màu đen hôi thối. Điều này chứng tỏ các xưởng này vẫn tính chuyện sản xuất lâu dài. Đáng kể là có thêm một xưởng mới được dựng lên với đống vỏ xe các loại chất cao ngất ngưởng, chuẩn bị đi vào sản xuất.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom, cơ quan chức năng chưa cấp bất kỳ một giấy phép sản xuất nào cho các cơ sở tái chế nhựa ở xã Hố Nai 3. Điều này chứng tỏ các cơ sở trên đang hoạt động trái phép. |
Anh Nguyễn Văn P., nhà gần xưởng sản xuất này, bức xúc: “Thời gian qua, chúng tôi không chịu nổi mùi khét lẹt, hôi thối ở mọi lúc, mọi nơi. Gia đình tôi treo bảng bán nhà để đi chỗ khác ở, nhưng khách tới coi chỉ lắc đầu, bịt mũi rồi bỏ đi”. Tương tự, chị Phan Thị L. cũng than phiền: “Tưởng dư luận lên tiếng, người dân kêu ca thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp di dời các xưởng này ra xa khu dân cư. Đằng này, tình trạng gây ô nhiễm ở đây vẫn tiếp diễn. Người dân chúng tôi giờ chẳng biết kêu ai nữa”.
“CỤM CÔNG NGHIỆP” CHUI BAO GIỜ DẸP BỎ?
Như đã thông tin, các cơ sở này đã từng bị phạt bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tháng 6-2012, UBND huyện Trảng Bom đã kiểm tra và xử phạt hành chính những cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng sau đó, các cơ sở này vẫn cứ hoạt động. Mới đây nhất, ngày 25-6 vừa qua, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước thải của một số xưởng đang sản xuất. Qua xét nghiệm, đoàn kiểm tra đã phát hiện lượng nước thải của 3 cơ sở của các ông Trương Thanh Nghị, Nguyễn Văn Hanh và bà Vy Thị Thanh Thủy (đều có hộ khẩu thường trú tại Biên Hòa) xả thải trực tiếp ra môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép.
Ông Vương Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Trảng Bom, nhấn mạnh: “UBND huyện chưa nhận được báo cáo từ Phòng Tài nguyên - môi trường. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý các cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm di dời ra khỏi khu dân cư để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”. |
Căn cứ những vi phạm trên, Phòng Tài nguyên - môi trường đã tham mưu cho UBND huyện Trảng Bom ra quyết định xử phạt hành chính về việc bảo vệ môi trường và tài nguyên nước 3 xưởng này với số tiền 21,3 triệu đồng. Đồng thời huyện yêu cầu các chủ xưởng vi phạm có biện pháp khắc phục việc xả nước thải vào môi trường và chỉ được khai thác nguồn nước ngầm khi cơ quan thẩm quyền cho phép. Nhiều người dân cho rằng, mức phạt như vậy chẳng thấm gì so với lợi nhuận chủ doanh nghiệp thu được từ việc tái chế nhựa.
Đối với nguồn khói bụi, mùi khét lẹt, hôi thối nồng nặc phát tán “tra tấn” người dân nhiều năm nay, ông Ngô Đức Vượng, Phó phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom, cho biết: “Hiện nay phòng chưa có máy đo nồng độ mùi, cũng như để xác định tiêu chuẩn mùi ở ngưỡng giới hạn bao nhiêu thì cần phải có sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên - môi trường. Hiện nay, về cảm quan thì rõ ràng các cơ sở này đã và đang gây ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân”.
Văn Chính