TP.Biên Hòa hiện có 187 đường liên tổ và khu phố chưa được bê tông hóa, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân…
TP.Biên Hòa hiện có 187 đường liên tổ và khu phố chưa được bê tông hóa, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân…
Điều đáng nói là ngay tại một số phường trong nội ô thành phố, vẫn còn những con đường đất đá gồ ghề, chẳng khác gì vùng nông thôn.
KHỔ VÌ ĐƯỜNG XUỐNG CẤP
Một trong những đường “nông thôn” ở TP.Biên Hòa, phải kể đến hẻm 100, phường Quyết Thắng. Gọi là hẻm nhưng đây là đường khá rộng, hình thành từ mấy chục năm trước. Thế nhưng đến nay, đường này vẫn sình lầy khi mưa và bụi bặm lúc nắng.
Hẻm 100, KP1, phường Quyết Thắng sau cơn mưa. Ảnh: K.Liễu |
Vừa khuân và đập nát xà bần để lấp vào vũng sình lầy trước cửa nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Lý (hẻm 100, KP1, phường Quyết Thắng) bức xúc: “Tôi rất thích đi bộ tập thể dục mỗi buổi sáng. Tuy nhiên gần đây, do mưa liên tục nên tôi trở nên lười. Vì mỗi lần lội nước trong hẻm là người dính đầy sình đất, trông như... đi ruộng vậy”. Theo bà Lý, sau mỗi cơn mưa nặng hạt là đường trở nên lầy lội, xe hai bánh chạy còn khó, nói gì đến đi bộ.
Cùng nhận định như bà Lý, nhiều gia đình sinh sống ở hẻm 100 đã lâu, cho biết dân cư trong khu vực rất nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có kế hoạch nâng cấp đường này với hình thức xã hội hóa, song đến nay vẫn chẳng thấy chuyển biến. Chung tình cảnh như người dân hẻm 100, dân cư các đường: hẻm 394 (KP1, phường Trung Dũng), Trương Quyền (KP2, phường Tân Mai), Nguyễn Văn Hoài (KP7, phường Tân Phong) lâu nay phải đi lại trên những con “đường nông thôn” đúng nghĩa.
Thế nhưng, những tuyến đường nêu trên chưa thấm vào đâu so với con đường “đau khổ” dài khoảng 600m dẫn vào Bến đò Trạm (KP4, phường Bửu Long). Nhắc đến đường này, các hộ dân nơi đây đều lắc đầu ngao ngán. “Thời gian gần đây, chúng tôi được mời đi họp về chuyện làm đường nhưng chẳng ai đi. Không phải vì người dân không đồng tình mà vì có họp cũng như không. Bởi 5-6 năm nay chúng tôi đã dự không biết bao nhiêu cuộc họp bàn về vấn đề này, song sau đó lại rơi vào im lặng” - bà Nguyễn Thị Kim Dung, một hộ dân ở đây, bộc bạch.
CHỜ TỚI BAO GIỜ?
Ở TP.Biên Hòa, có nhiều phường làm tốt công tác xã hội hóa giao thông, như: Tân Mai, Tân Hòa, Hố Nai, Long Bình… “Tôi nghĩ rằng, để công tác xã hội hóa giao thông trên địa bàn thành phố đi vào chiều sâu, ngoài trách nhiệm đóng góp của nhân dân, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy mới đảm bảo nguồn kinh phí trong việc hoàn thành các tuyến đường theo quy hoạch chung” - ông Doãn Văn Đồng cho biết. |
Nhiều năm qua, cử tri ngụ ở các đường nói trên đã nhiều lần kiến nghị việc nâng cấp đường với các đại biểu dân cử nhưng sau đó vẫn tiếp tục phải... chờ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những bức xúc của người dân về công tác làm đường giao thông tại địa phương, ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, cho biết: Nguyên nhân chính khiến các con đường trong nội ô thành phố chậm được bê tông hóa, vì đây là những tuyến đường phải thực hiện theo quy hoạch. Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay, TP.Biên Hòa không được tỉnh hỗ trợ ngân sách nên việc huy động kinh phí làm đường gặp khó khăn. Mặt khác, khi 4 xã ở huyện Long Thành sáp nhập vào thành phố đã nâng thêm 177 tuyến đường giao thông cần được kiên cố hóa.
Theo ông Đồng, việc đầu tư xây dựng công trình giao thông tại thành phố được thực hiện theo hai hình thức: những tuyến đường triển khai theo quy hoạch thì nhân dân đóng góp bằng cách hiến đất, Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí thực hiện; nếu làm đường theo hiện trạng thì vận động người dân tự nguyện đóng góp 100% chi phí. Từ thực tế này, cho thấy nếu địa phương nào huy động được sức dân thì sẽ giải quyết dứt điểm được các con đường “nông thôn”.
Kim Liễu