Hiện nay, tình trạng người dân sinh sống dưới đường điện cao thế, trung thế trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều. Sức khỏe, tính mạng của số hộ dân nơi đây thường xuyên bị đe dọa...
Hiện nay, tình trạng người dân sinh sống dưới đường điện cao thế, trung thế trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều. Sức khỏe, tính mạng của số hộ dân nơi đây thường xuyên bị đe dọa...
Theo ông Hoàng Anh Toàn, Đội phó Đội đường dây, thuộc Xí nghiệp điện cao thế, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai (gọi tắt là Điện lực Đồng Nai), hiện Điện lực Đồng Nai đang quản lý trên 400km đường điện cao thế 110kV.
* Hiểm nguy rình rập…
Trong số đường điện cao thế đi ngang qua khu dân cư, phải kể đến các trục: Long Bình - Đồng Nai, Long Bình - Biên Hòa, Đồng Nai - Tân Mai cùng hai nhánh rẽ vào Gò Dầu và Công ty Vedan.
Tình trạng xe cuốc, cần cẩu… vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện khá phổ biến thời gian qua. (ảnh minh họa) |
Hình ảnh nhà nhà “sống chung” với đường điện cao thế rất nguy hiểm, có thể kể đến khu vực chợ Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Long Thành). Tại đây, hệ thống điện cao thế thuộc nhánh rẽ vào Công ty Vedan nằm ngay trên nóc nhà dân và đi ngang qua khu vực chợ Phước Bình. Khá nhiều bảng hiệu, ăng-ten của nhà dân được lắp đặt gần sát với đường điện. Người dân ngụ ở đây cho biết, nơi đây từng xảy ra 2 vụ tai nạn điện, làm chết 1 người. Nguyên nhân dẫn đến sự cố đau lòng này là do trong lúc làm nhà, nạn nhân vô ý để vật dụng gần đường điện gây hiện tượng phóng điện.
UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh phải tăng cường phối hợp thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và sử dụng điện an toàn. Theo đó, các ngành chức năng đẩy mạnh việc phổ biến kiến thức pháp luật để người dân nâng cao hiểu biết, có ý thức chấp hành Luật Điện lực thật tốt. Đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu sự cố, ngăn chặn tai nạn điện xảy ra do vi phạm an toàn hành lang lưới điện; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. |
Thực tế, người dân tại khu vực chợ Phước Bình đều hiểu được mức độ nguy hiểm khi sống dưới đường điện cao thế, nhất là khi có mưa gió lớn. Song, đa số không còn lựa chọn nào khác, bởi chợ là nơi có điều kiện buôn bán kiếm sống. Bà Mai Thị Thúy Vũ, người sống lâu năm ở khu vực này, chia sẻ: “Tôi biết là sống dưới đường điện nguy hiểm nên gia đình chúng tôi không dám cơi nới nhà cửa, dùng ăng-ten hay trồng cây trước nhà. Chúng tôi thường xuyên được Ban Quản lý chợ, nhân viên ngành điện tuyên truyền, nhắc nhở phải cẩn trọng. Bản thân chúng tôi cũng luôn ý thức phải bảo đảm an toàn cho chính mình”.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số gia đình tỏ ra thờ ơ với sự an toàn của bản thân. Không ít trường hợp vô tư dựng ăng-ten, treo bảng quảng cáo ngay cạnh đường điện. Một số gia đình có đường điện đi ngang vườn có khá nhiều cây cao nhưng không đồng ý cho ngành điện phát quang, tỉa cành. Đây chính là những tồn tại không thể bảo đảm an toàn cho đường điện cũng như tính mạng của người dân.
* Dễ bị phóng điện
Nói về những quy định liên quan đến việc sử dụng điện an toàn, ông Hoàng Anh Toàn cho biết, theo Nghị định (NĐ) 106/2005/NĐ-CP ngày 17-8-2005 của Chính phủ thì khoảng cách an toàn từ dây dẫn đến điểm gần nhất của thiết bị, phương tiện đối với đường điện 22kV là 4m và 110kV là 6m. Thế nhưng, ông Toàn cho rằng, dù khoảng cách giữa các gia đình và đường điện có thực hiện đúng quy định thì nguy hiểm vẫn luôn rình rập. Vì chỉ cần người dân trèo lên mái tôn hay có một vật dụng nào đó nhô lên khỏi mái nhà (cây hoặc ăng-ten) sẽ có nguy cơ xảy ra hiện tượng phóng điện. Nếu sự cố này xảy ra sẽ gây mất điện trên diện rộng.
Người dân ở khu vực chợ Phước Bình - Long Thành dựng ăng-ten gần đường điện trung thế, rất nguy hiểm. |
Ông Hồ Thanh Thiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn Điện lực Đồng Nai, thống kê: Trong năm 2012 và quý I-2013, toàn tỉnh đã xảy ra 152 sự cố trên lưới điện, 6 vụ tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, làm chết 2 người, bị thương 8 người, gây mất điện trong nhiều giờ và hư hại một số tài sản, thiết bị trên lưới điện. Theo ông Thiệp, những tai nạn liên quan đến điện do người dân vi phạm hành lang an toàn điện, chủ yếu là tự ý chặt phá cây làm vướng vào đường điện, hoặc xây dựng nhà cửa, thi công công trình không đảm bảo an toàn nên đã gây hiện tượng phóng điện. Ông Thiệp cảnh báo: “Người dân khi có nhu cầu cơi nới, xây dựng, cải tạo công trình nhà ở hoặc chặt cây xanh gần hành lang an toàn lưới điện thì phải liên hệ với ngành điện để được hướng dẫn các biện pháp an toàn, đề phòng tai nạn xảy ra”.
Ngọc Liên