Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu đất “vàng” bị chiếm dụng

10:07, 29/07/2013

Sau hơn 15 năm quy hoạch, Khu liên hợp thể dục - thể thao (TDTT) tỉnh, tọa lạc tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đến nay mới chỉ có khoảng 10/45 hécta đất được sử dụng đúng mục đích...

 

Sau hơn 15 năm quy hoạch, Khu liên hợp thể dục - thể thao (TDTT) tỉnh, tọa lạc tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đến nay mới chỉ có khoảng 10/45 hécta đất được sử dụng đúng mục đích...

Phần diện tích còn lại lâu nay bị các hộ dân chiếm dụng, chuyển nhượng sang tay và tiến hành xây dựng không phép, hình thành những khu dân cư đông đúc.

* Buông lỏng công tác quản lý 

Năm 1998, Sở TDTT (nay là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTT-DL)) được UBND tỉnh giới thiệu địa điểm để lập dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp TDTT tại KP.3, phường Tân Hiệp với quy mô 45,75 hécta. Ngay sau khi được bàn giao, Sở VHTT-DL đã tiến hành san ủi gần 10 hécta để bố trí các công trình thể thao, đồng thời cho một đơn vị tư nhân thuê 0,24 hécta làm sân bóng mi-ni; 2 hécta làm chợ tạm Tân Hiệp. Phần diện tích còn lại (khoảng 35 hécta) bị bỏ không.

Hàng quán “bao vây” phần đất thuộc Khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh.
Hàng quán “bao vây” phần đất thuộc Khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh.

Lợi dụng tình hình này, nhiều người đã lấn chiếm sử dụng khiến diện tích đất công bị thu hẹp, nhưng đất cá nhân lại nở rộ. Sở dĩ có người gọi đất quy hoạch Khu liên hợp TDTT tỉnh là khu đất “vàng”, do đây là khu vực dễ kinh doanh, buôn bán nên đã hấp dẫn nhiều người từ nơi khác đến lập nghiệp. Chỉ tính những năm gần đây, trong khu đất “vàng” mọc lên dày đặc hàng quán kinh doanh giải khát, ăn uống rất sầm uất. Vì thế càng lôi kéo người dân ở nơi khác đến đây “hội tụ”, và phát sinh mua bán đất sang tay, cũng như xây dựng nhà trái phép. Lâu dần, trong khuôn viên khu đất “vàng” đã hình thành nhiều khu dân cư kiên cố. Thực tế, ban đầu tại đây chỉ có 14 hộ dân sinh sống. Sau khi dự án bị rơi vào... quên lãng, số hộ dân tăng đến chóng mặt. Cụ thể: năm 1999 là 388 hộ, năm 2011 tăng lên 1.040 hộ và đến nay là 1.186 trường hợp.

Điều này cho thấy, công tác quản lý đất công của chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ. Thực ra, từ năm 2005-2012, UBND phường Tân Hiệp có tiến hành lập biên bản 301 trường hợp vi phạm xây dựng trái phép nhưng không có hồ sơ nào bị xử lý về hành vi lấn chiếm đất đai. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu đất “vàng” bị sử dụng sai mục đích suốt thời gian dài.

* Bao giờ dự án thực hiện?

Nói về tiến độ thực hiện dự án Khu liên hợp TDTT tỉnh, ông Hoàng Ngọc Khôi, Phó giám đốc Sở VHTT-DL, cho biết hiện tại Sở đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ. Theo đó, dự án sẽ được điều chỉnh quy hoạch chi tiết để Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

 Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng: Cương quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm đất công

Theo tôi, việc lấn chiếm đất công tại dự án quy hoạch Khu liên hợp TDTT tỉnh khá phức tạp. Tuy nhiên, đối với trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc hợp pháp thì khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án cần phải có giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Còn tất cả trường hợp sang nhượng, xây cất trái phép, phải cương quyết xử lý theo quy định. Nếu giải quyết theo hướng “nương theo” thì sẽ gây bất bình đẳng trong xã hội, nhất là trong công tác quản lý đô thị hiện nay.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa:  Chính quyền địa phương chưa chặt chẽ trong quản lý, xử lý vi phạm

Tình trạng lấn chiếm đất và xây dựng trong dự án Khu liên hợp TDTT tỉnh là do công tác quản lý, xử lý vi phạm của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Hiện tại, UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, phối hợp các sở, ngành thực hiện khảo sát, ghi nhận hiện trạng sử dụng đất tại khu vực. Trên cơ sở đó, đề xuất lãnh đạo tỉnh giải quyết theo hướng: Phần diện tích nào sử dụng hợp pháp, khi thu hồi để xây dựng dự án thì xem xét, có phương án hỗ trợ di dời theo quy định của pháp luật. Những trường hợp còn lại, tùy theo hiện trạng sẽ được xem xét cụ thể.

Theo ông Khôi, việc khắc phục những tồn tại của hơn 1 ngàn hộ dân với trên 4.500 nhân khẩu đang sinh sống nơi đây là điều không dễ, bởi xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng ra sao khi số hộ đã sinh sống tại đây trong thời gian dài. Do đó, trong thời gian tới chủ đầu tư rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan để tìm hướng giải quyết, tháo gỡ hợp lý... Như vậy, phải cần thêm một thời gian khá dài để dự án được triển khai thực hiện. Trong khi đó, việc mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép tại khu vực này vẫn không ngừng tiếp diễn.

Nhận định về tâm tư, nguyện vọng của bà con trong khu phố đối với khu đất “vàng” mai này bị giải tỏa, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng KP.3, phường Tân Hiệp, cho biết: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ảnh, đây là khu quy hoạch nhưng... để đó nên dân mới vô tư đến mua ở. Nếu kéo dài thời gian “treo” và chưa biết khi nào triển khai và công bố thời điểm xây dựng thì người dân sẽ còn tiếp tục sống trong tâm trạng bất an. “Dự án kéo dài bao nhiêu, dân khổ bấy nhiêu. Bởi đất gia đình tôi có nguồn gốc rõ ràng nhưng đang bị xếp chung với các hộ chuyển nhượng trái phép nên không được cấp chủ quyền nhà đất, không có nước sạch để dùng. Đây là điều bất hợp lý” - bà Lê Thị Hai, một hộ dân sống tại khu vực “vàng” trước năm 1998, bức xúc nói.

Kim Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều