Nhận được thông báo của tòa án về việc trả lại đơn khiếu nại, bà Trần Thị Bảnh, ngụ xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) rối bời vì không biết nên “kêu” ở đâu để được giải quyết?
Nhận được thông báo của tòa án về việc trả lại đơn khiếu nại, bà Trần Thị Bảnh, ngụ xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) rối bời vì không biết nên “kêu” ở đâu để được giải quyết?
Bởi trước đó, bà Bảnh đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết việc phần mặt tiền ki-ốt nhà mình bị một số tiểu thương chiếm dụng để buôn bán. UBND xã đã giải quyết mấy lần không xong nên chuyển lên huyện, huyện lại chuyển ngược về xã. Tại đây, bà Bảnh được hướng dẫn làm thủ tục khởi kiện ra tòa án, giờ tòa lại trả lời thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện…
Bà Bảnh trình bày, bà nhận chuyển nhượng lại một ki-ốt trong khu chợ chiều Thanh Hóa thuộc xã Hố Nai 3 vào năm 2011. Lúc đó phía phần mặt tiền trước ki-ốt có hộ bà Lan sử dụng để bán bún và bà Mơ bán nước mía. Bà Bảnh đề nghị hai hộ này di dời đi nơi khác, trả lại mặt tiền nhưng không ai đồng ý nên bà mới gửi đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Trong đơn bà Bảnh trình bày: “Mục đích tôi mua ki-ốt là để kinh doanh, thế nhưng lại bị người khác án ngữ hết cả phần mặt tiền thì thử hỏi tôi có thể làm ăn gì được”.
Vụ việc trên được UBND xã Hố Nai 3 tiến hành tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Phía bà Mơ, bà Lan thì cho rằng mình buôn bán hợp pháp vì chỉ kinh doanh ở phía ngoài diện tích đất của bà Bảnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cả hai dứt khoát không chịu di dời.
Nói về việc khiếu nại của bà Bảnh, Phó chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Thao cho rằng: “Phần đất mặt tiền trước ki-ốt của bà Bảnh nằm trong quy hoạch hành lang lộ giới giao thông quốc lộ 1. Hiện tại Nhà nước chưa có quy định cụ thể nào về quyền sử dụng cũng như hưởng lợi từ phần mặt tiền nhà, đất nên vụ việc trên khó giải quyết”.
Từ nhận định trên, UBND xã Hố Nai 3 đã cho rằng vụ việc nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của địa phương nên đã hướng dẫn bà Bảnh khởi kiện ra tòa. Cách giải quyết này đã gây khó cho bà Bảnh và gây bức xúc cho dư luận tại địa phương. Thực tế tại khu vực chợ chiều Thanh Hóa, toàn bộ các phần diện tích đất nằm trong quy hoạch hành lang lộ giới giao thông phía mặt tiền ki-ốt nào thì được chủ các ki- ốt đó sử dụng làm nơi đậu xe tạm, luân chuyển hàng hóa…Chỉ riêng ki-ốt bà Bảnh là không được sử dụng.
Ngày 17-5-2013, bà Bảnh nhận được thông báo của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, nội dung cho rằng bà Mơ, bà Lan sử dụng đất không nằm trong phần diện tích thửa đất thuộc ki-ốt của bà Bảnh mà thuộc hành lang lộ giới giao thông nên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Trảng Bom. “Nhận được thông báo tôi thấy lúng túng vô cùng, cơ quan chức năng cứ đẩy qua lại, không biết ai giải quyết khiếu nại của tôi?” - bà Bảnh bức xúc.
Hiện bà Bảnh đang tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi khắp nơi, vụ việc tranh chấp trên đã kéo dài hơn một năm nay vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó mâu thuẫn phát sinh từ vụ tranh chấp này ngày càng tăng. Giữa các hộ thường xuyên xảy ra cãi nhau, thậm chí còn xảy ra ẩu đả gây thương tích. Mới đây, bà Bảnh gửi đơn tố cáo hộ bà Mơ, bà Lan có hành vi hủy hoại tài sản và đánh bà và con gái gây thương tích… Do không giải quyết dứt điểm, vụ việc tranh chấp trên ngày càng diễn biến phức tạp (Báo Đồng Nai số ra ngày 2-3-2013 đã phản ánh vụ việc này).
Các ki-ốt và sạp trong khu chợ chiều Thanh Hóa đã được mua đứt bán đoạn cho các tiểu thương. Giá bán ki-ốt tính theo vị trí, giá cao nhất thuộc vị trí có mặt hướng ra quốc lộ 1, trong đó có ki-ốt của bà Bảnh. Vì vậy, việc bà Bảnh được hưởng lợi từ phần mặt tiền ki-ốt là hợp lý. Mặt khác, phần diện tích đất các bên tranh chấp quyền sử dụng là đất công, như vậy thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Chính quyền có trách nhiệm xử lý các vấn đề phát sinh.
Gia An