Hai vụ tai nạn giao thông gây tử vong cho hai người đi bộ khi băng qua quốc lộ 1 xảy ra ngày 2-6 vừa qua tại khu vực hai xã Quảng Tiến và Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm đối với người đi bộ khi muốn sang đường…
Hai vụ tai nạn giao thông gây tử vong cho hai người đi bộ khi băng qua quốc lộ 1 xảy ra ngày 2-6 vừa qua tại khu vực hai xã Quảng Tiến và Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm đối với người đi bộ khi muốn sang đường…
Người đi bộ sang quốc lộ 1, đoạn gần chợ Sặt (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu |
Theo cơ quan chức năng, vào lúc 4 giờ 30 ngày 2-6, bà Phạm Thị Ro (64 tuổi, ngụ tại ấp Quảng Lộc, xã Quảng Tiến) trong lúc băng qua đường ở khu vực gần nhà đã bị xe ô tô khách 16 chỗ mang biển số 53M-3240 chạy hướng Long Khánh - Biên Hòa đụng vào. Sau khi gây tai nạn, xe ô tô chạy gần 100m mới dừng lại. Cùng thời gian trên, cách nơi xảy ra tai nạn 3,5km lại xảy ra vụ tai nạn khi ô tô khách 16 chỗ biển số 53S-7875 lưu thông hướng Long Khánh - Biên Hòa đã đụng ông Nguyễn Văn Truyền (74 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn) khi ông đang đi bộ băng qua đường theo hướng ngược lại. Ông Nguyễn Văn Truyền chết sau khi đưa đi cấp cứu.
Chứng kiến hai vụ tai nạn trên, nhiều người đi đường không khỏi xót xa, phải chi ở những đoạn quốc lộ có mật độ giao thông đông, đơn vị chức năng cho đặt dải phân cách và được bố trí cầu vượt dành riêng cho người đi bộ thì những tai nạn đáng tiếc như trên sẽ không xảy ra.
Dọc theo tuyến quốc lộ 1 hiện có rất nhiều khu vực đông dân cư. Trong đó đáng chú ý nhất là đoạn qua TP.Biên Hòa với hai điểm có mật độ giao thông còn dày đặc, như: phía trước Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và khu vực chợ Sặt. Tại đây mặt đường hẹp nhưng lại có lượng xe lưu thông rất đông nên người đi bộ qua đường chỉ cần một chút bất cẩn là tai nạn có thể ập đến…
Thực tế ở những khu vực trên đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra. Như vụ tai nạn xảy ra vào giữa tháng 4-2013, gây ra cái chết thương tâm cho một em học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Tự Trọng (KP5A, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Em học sinh này đã đi sang đường trên phần đường có vạch kẻ dành cho người đi bộ phía trước cổng trường. Nhưng khi vừa đi đến dải phân cách thì chẳng may dây đeo cặp của em bị vướng vào kính chiếu hậu của chiếc xe chạy ngang qua nên em bị kéo theo xe dẫn đến tử vong.
Nhắc lại vụ tai nạn thương tâm, cô Nguyễn Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, xót xa: “Vụ việc trên là nỗi đau đối với các thầy cô giáo và học sinh của trường. Mỗi ngày có hơn 50% trong tổng số 1.400 học sinh của trường phải băng qua quốc lộ 1 để đến trường. Nhìn các em phải “mạo hiểm” như thế, chúng tôi thấy rất bất an. Nhà trường đã có văn bản kiến nghị UBND phường xin hỗ trợ lực lượng để đưa đón các em băng qua đường nhưng phường bảo rất khó thực hiện, vì không thể giăng dây chặn xe ngang quốc lộ. Chúng tôi chỉ mong có một cây cầu vượt đặt tại đây để đảm bảo an toàn cho học sinh và người dân trong khu vực”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm ở Việt Nam, số người đi bộ tử vong vì tai nạn giao thông chiếm khoảng 14% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông. So với các nước phát triển thì tỷ lệ người đi bộ chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam cao hơn từ 4-6%. |
Quan sát tại khu vực trên, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đi sang quốc lộ tại đây rất cao, do hai bên đường là khu dân cư đông đúc lại có nhiều điểm công cộng, như: trạm y tế, chợ, nhà sách, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Trường THCS Lý Tự Trọng, giáo xứ Hà Nội, trạm xe buýt… Tuy đơn vị chức năng có bố trí đèn tín hiệu báo giảm tốc độ và kẻ vạch chỉ làn đường dành cho người đi bộ, nhưng việc qua lại vẫn không đảm bảo an toàn. Do mặt đường tại đây có độ dốc, dải phân cách giữa đường lại cao nên người qua đường bị che khuất tầm nhìn, chỉ nhìn thấy một làn đường nên rất khó quan sát. Trong khi đó nhiều xe khi đi qua đây vẫn chạy với tốc độ rất nhanh, nên nguy hiểm luôn chực chờ người đi bộ.
Ở khu vực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thì lượng người qua lại chủ yếu là bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Anh Nguyễn Văn Thành, chạy xe ôm trước cổng bệnh viện, cho biết: Có rất nhiều lý do để sang đường, như: mua thức ăn, khám bệnh, thăm bệnh… Khu vực này xe qua lại đông, người đi bộ và đi xe máy sang đường liên tục nên chuyện va quẹt giao thông ở đây xảy ra như cơm bữa. “Nhìn cảnh nhiều người tay xách, nách mang cứ thập thò bước đi giữa hai làn xe đông đúc là tôi thấy bất an vô cùng… Phải chi có cầu vượt tại đây thì đỡ biết mấy. Nhưng trong khi chưa có cầu vượt, người đi đường khi muốn băng qua cần phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đi đứng cẩn trọng để không xảy ra tai nạn đáng tiếc” - anh Thành nói.
Kim Liễu