Dù đã cố gắng tìm cách kéo khách hàng đến tham quan, mua sắm tại Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa ngày và đêm (gọi tắt là IBP Biên Hòa) với nhiều hình thức, như: tổ chức chương trình ca nhạc, khai trương khu ẩm thực, treo pa-nô quảng cáo trên các tuyến đường chính trong thành phố… nhưng thời gian qua, các tiểu thương vẫn buôn bán ế ẩm.
Dù đã cố gắng tìm cách kéo khách hàng đến tham quan, mua sắm tại Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa ngày và đêm (gọi tắt là IBP Biên Hòa) với nhiều hình thức, như: tổ chức chương trình ca nhạc, khai trương khu ẩm thực, treo pa-nô quảng cáo trên các tuyến đường chính trong thành phố… nhưng thời gian qua, các tiểu thương vẫn buôn bán ế ẩm.
Người dân đến đây cũng chỉ dừng lại ở các khu ẩm thực và vui chơi trẻ em, chẳng mấy ai quan tâm đến những ki-ốt bán hàng hóa. Do thời gian buôn bán ế ẩm kéo dài, nhiều tiểu thương đã phải đóng cửa gian hàng để ra ngoài tìm kế sinh nhai, số còn lại dù hàng ngày vẫn mở cửa nhưng chủ yếu để… nhìn nhau.
* Về bán hàng rong
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, ban ngày thì hầu như mọi ki-ốt trong IBP Biên Hòa đều đóng cửa, đến tối mới mở, song không có khách.
Ban ngày, Khu thương mại IBP Biên Hòa vắng bóng cả tiểu thương lẫn người mua. |
Chị T.T., một tiểu thương bán quần áo cho biết, sau thời gian bám trụ nhưng chẳng bán buôn gì được, buộc lòng chị phải dọn hàng về bày bán tại nhà hơn 1 tháng nay. “Ngồi trong đó cả ngày không kiếm được đồng nào nên tôi mới phải đem đồ về nhà. Tôi cũng như mọi người, phải lo cho cuộc sống của gia đình mình nếu cứ bám vào ki-ốt ế ẩm thì không biết sẽ sinh sống ra sao” - chị T. tâm sự.
Theo chị T., khi mua ki-ốt, ai cũng mừng vì có nơi buôn bán tập trung. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, các tiểu thương đều thất vọng vì không có khách ghé mua. Đến nay, nhiều người phải đi bán hàng rong ở các chợ hoặc ngồi bán tại các lề đường để kiếm sống. Điển hình là trường hợp chị X.H., mỗi ngày phải đi bán quần áo tại các chợ ở huyện, thị hoặc các khu tập trung nhiều công nhân. Việc chạy chợ của chị H. khá vất vả nhưng còn có thu nhập. Nói về những ngày… ngồi chơi trong IBP Biên Hòa, chị H. bức xúc: “Cả ngày không bán được món đồ nào, trong khi vốn liếng bỏ ra có nguy cơ mất trắng nên ban ngày tôi phải đóng cửa để ra ngoài làm ăn. Buổi chiều tôi ghé vào mở cửa một chút rồi về chứ bán buôn gì được đâu”.
IBP Biên Hòa nằm tại phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, (cổng A42) thuộc Khu thương mại và xúc tiến đầu tư quốc tế IBP Biên Hòa. IBP Biên Hòa do Công ty cổ phần thương mại Vina (có trụ sở ngay phía trước khu thương mại) quản lý và chịu trách nhiệm điều hành hoạt động kinh doanh. IBP Biên Hòa có 284 ki-ốt buôn bán, nhưng hiện tại mỗi ngày chỉ có khoảng 90-95 ki-ốt mở cửa vào ban đêm trong tình trạng ế ẩm. |
Trên giấy tờ hợp đồng với Công ty Vina (đơn vị quản lý IBP Biên Hòa) tiền đặt cọc chỉ vài triệu đồng, trong khi để có một ki-ốt, phần lớn tiểu thương phải qua trung gian với chi phí từ 15 đến hơn 40 triệu đồng. “Căn cứ theo hợp đồng bây giờ nếu trả lại ki-ốt thì mỗi người chỉ nhận lại vài triệu đồng. Hơn nữa, sau khi nộp đơn phải chờ có người khác sang lại ki-ốt thì công ty mới hoàn trả tiền” - một tiểu thương cho biết.
* Ki-ốt thành… kho
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhiều tiểu thương đã tận dụng ki-ốt làm kho chứa hàng, mỗi buổi sáng vào chở hàng đi nơi khác bán, đến chiều mới quay về cất hàng. Cách làm này đã giúp tiểu thương có nơi chứa hàng mà tiền “thuê kho” cũng chấp nhận được.
Nhiều tiểu thương hiện đã bỏ ki-ốt trong IBP Biên Hòa để ra lề đường bán hàng. |
Nói về quá trình kinh doanh ở IBP Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Suối, đại diện Ban quản lý khu thương mại cho biết, thời gian gần đây, ban ngày hầu như không có ai mở cửa buôn bán. Công ty đã thấy khó khăn của tiểu thương nên quyết định miễn tiền thuê ki-ốt từ tháng 3 đến tháng 6. “Tiểu thương mỗi tháng chỉ phải đóng tiền điện và 550 ngàn đồng tiền dịch vụ bảo vệ. Riêng về các trường hợp muốn trả lại ki-ốt thì chúng tôi đồng ý nhận đơn, chờ có người khác mua thì mới thanh toán lại cho tiểu thương” - ông Suối nói. Theo ông Suối, trước đây Công ty Vina đã thông báo, ai có nhu cầu trả lại ki-ốt thì nộp đơn công ty sẽ trả lại tiền, nhưng không thấy ai thực hiện.
Thực tế, nhiều tiểu thương vẫn nuôi hy vọng IBP Biên Hòa mai này sẽ nhộn nhịp, kinh doanh hiệu quả hơn. Chị S., một tiểu thương hàng ngày đóng cửa hàng ở IBP Biên Hòa để ra ngoài bán quần áo trên lề đường 30-4, bộc bạch: “Tôi không có ý định trả lại ki-ốt. Chỉ mong Công ty Vina đẩy mạnh chương trình quảng bá IBP Biên Hòa cho nhiều người biết, đồng thời tìm cách thu hút người dân đến tham quan, mua sắm để chúng tôi có thể buôn bán ổn định”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Suối cho biết, hiện Công ty Vina đã cố gắng tổ chức những sự kiện thu hút khách hàng. Thời gian tới, công ty sẽ tổ chức hội chợ thương mại, dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 12-5. Ông Suối hy vọng, đây là dịp để các tiểu thương quay lại mở cửa gian hàng để IBP Biên Hòa thực sự là khu thương mại hấp dẫn nhiều người đến tham quan, mua sắm.
Ngọc Liên