Hàng hóa nghèo nàn, đối tượng tham gia bán hàng phần đông là tiểu thương tại các chợ, cách tổ chức nhếch nhác, lộn xộn… là những gì đang diễn ra tại hội chợ thương mại “Tuần lễ mua sắm 2013” tại Khu thương mại và xúc tiến đầu tư quốc tế IBP Biên Hòa do Công ty TNHH Event T.P.N (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức từ 7 đến 12-5.
Hàng hóa nghèo nàn, đối tượng tham gia bán hàng phần đông là tiểu thương tại các chợ, cách tổ chức nhếch nhác, lộn xộn… là những gì đang diễn ra tại hội chợ thương mại “Tuần lễ mua sắm 2013” tại Khu thương mại và xúc tiến đầu tư quốc tế IBP Biên Hòa do Công ty TNHH Event T.P.N (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức từ 7 đến 12-5.
Theo phản ánh của doanh nghiệp và tiểu thương tham gia hội chợ, ngay từ ngày đầu khai mạc (ngày 7-5), nhiều gian hàng đã bị bỏ trống. Cảnh hội chợ càng thêm nhếch nhác sau cơn mưa chiều ngày 9-5 vì một số gian hàng bị sập, tiểu thương đổ xô dọn hàng, muốn rút khỏi hội chợ nhưng ban tổ chức không cho chở hàng ra khỏi cổng.
* Tạm bợ và thiếu chuyên nghiệp
Quan sát hội chợ vào trưa ngày 9-5, đa số các gian hàng bị quây bọc vải bạt một cách tạm bợ, hàng hóa ngổn ngang, dây nhợ giăng đầy, vắng cả người bán lẫn người mua. Một số gian hàng tuy có người bán nhưng trên các quầy kệ chỉ trưng bày lèo tèo vài sản phẩm. Khuôn viên hội chợ càng thêm nhếch nhác vì được tiểu thương tận dụng làm nơi phơi quần áo.
Đồ chơi Trung Quốc, hàng nhái bán tại hội chợ. |
Chị Nguyễn Thị Vân, một khách hàng đến hội chợ, cho biết chị đến tham quan vì nghe giới thiệu hàng hóa đa dạng, chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng khi đến nơi thì chẳng có gì để mua. Hội chợ hầu như vắng bóng những nhãn hàng uy tín hoặc doanh nghiệp (DN) hàng Việt chất lượng cao. “Một hội chợ quy mô cấp tỉnh mà cách tổ chức quá tạm bợ, hàng hóa bày bán như ở chợ tạm công nhân, tràn ngập quần áo, giày dép không rõ xuất xứ, đồ chơi trẻ em Trung Quốc, mắt kính nhái giá bèo” - chị Vân nói.
Ông Vũ Xuân Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Phong (TP.Biên Hòa), chuyên kinh doanh trà, cà phê bức xúc: “Nghe ban tổ chức giới thiệu hội chợ với quy mô lớn thu hút trên 150 DN uy tín, chất lượng nên tôi tin tưởng đăng ký. Thực tế lại khác xa những gì ban tổ chức quảng cáo. Tham gia lần này, DN cầm chắc thua lỗ. Đây là lần đầu tiên và cũng sẽ là lần cuối cùng tôi tham gia hội chợ do công ty này tổ chức”.
* Tiểu thương đòi nghỉ bán
Không bán được hàng vì hội chợ quá vắng khách, cách sắp xếp các gian hàng không hợp lý, khu hội chợ không có nhà vòm chung, nắng thì nóng như thiêu, mưa thì nhiều gian hàng bị sập, hàng hóa bị tạt ướt, hư hao… là những lý do nhiều tiểu thương quyết định dọn hàng rút khỏi hội chợ sau cơn mua lớn vào chiều ngày 9-5. Nhưng đa số tiểu thương phải nằm chờ giữa ngổn ngang hàng hóa vì ban tổ chức không cho chở hàng ra khỏi cổng.
Cảnh nhếch nhác tại hội chợ. |
Chị Hoàng Yến, một tiểu thương bán quần áo trong hội chợ, than thở suốt 2 ngày hội chợ, chị chỉ bán được trên 100 ngàn đồng tiền hàng. “Dính“ thêm cơn mưa, hàng hóa hư hao nên chị và nhiều tiểu thương khác quyết định dọn hàng nghỉ bán, nhưng ban tổ chức yêu cầu phải đóng tiền thuê gian hàng thì mới được dọn đi. Ế ẩm, chưa biết lấy đâu tiền đóng cho ban tổ chức nên nhiều tiểu thương đành ở lại hội chợ với hàng hóa đã chất hết vào bao.
Ông Nguyễn Văn Bảy, đại diện Công ty TNHH hóa mỹ phẩm quốc tế ICC (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: “Do hội chợ quá vắng khách nên hàng hóa chở đến vẫn chất đầy trong thùng. Tôi dự tính cho xe tải chở bớt mang đi tiêu thụ ở khu vực khác nhưng ban tổ chức hội chợ không đồng ý. Tuy vẫn ráng cầm cự nhưng lỗ vốn là điều DN khó tránh khỏi khi tham gia hội chợ lần này”.
Cùng nỗi lo trên, đại diện Công ty TNHH nội thất Vinh (tỉnh Bình Dương) chia sẻ, chỉ tính riêng tiền vận chuyển hàng hóa đi - về, công ty đã lỗ trên 40 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. “Hai ngày nay, đơn vị chưa bán được sản phẩm nào và không hy vọng tình hình sẽ cải thiện nên đơn vị quyết định sẽ rút khỏi hội chợ trước thời hạn” - ông Vinh nói.
Bình Nguyên