Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Được gì, mất gì?

09:05, 15/05/2013

Thời gian qua, Báo Đồng Nai liên tục thông tin về những bất hợp lý đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Để đảm bảo tính khách quan, Báo Đồng Nai mở diễn đàn “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Được gì, mất gì?” để bạn đọc chia sẻ và tham gia. Số báo này, chúng tôi trích đăng một số ý kiến của người dân các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu - những người đã gắn bó với dòng sông Đồng Nai...

Thời gian qua, Báo Đồng Nai liên tục thông tin về những bất hợp lý đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Để đảm bảo tính khách quan, Báo Đồng Nai mở diễn đàn “Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Được gì, mất gì?” để bạn đọc chia sẻ và tham gia. Số báo này, chúng tôi trích đăng một số ý kiến của người dân các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu - những người đã gắn bó với dòng sông Đồng Nai...

Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên), khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được thực hiện.
Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên), khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được thực hiện.

* Bà Lê Thị Trừ, cán bộ lão thành cách mạng ở Vĩnh Cửu, hiện ngụ tại TP.Hồ Chí Minh: Xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây tác hại cả vùng sinh thái rộng lớn

Các phương tiện thông tin đại chúng gần đây nói nhiều về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Những bài báo phân tích khá rõ là nếu thực hiện hai dự án thủy điện này thì sẽ gây tác hại khôn lường, nhất là về môi trường sinh thái. Tôi là người sống, tham gia kháng chiến trong hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ ở Chiến khu Đ, rừng Nam Cát Tiên nên hiểu khá rõ về vùng đất mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho chúng ta, bởi đó là tài sản không gì đánh đổi được. Tôi nay đã 89 tuổi nhưng vẫn còn đủ minh mẫn để nhận thức rằng, nếu cứ tiến hành xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì “mất” sẽ nhiều hơn “được”.

* Anh Lê Đình Xuân, ngụ ấp 6B, xã Núi Tượng (huyện Tân Phú): Nông dân đang hoang mang, lo lắng

Tôi được biết, dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang được dư luận hết sức quan tâm. Để thực hiện được dự án này, chủ đầu tư luôn đưa ra những viễn cảnh rất tốt đẹp, như: sẽ có hướng cải tạo dòng chảy, môi trường đảm bảo, đặc biệt không ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội trong khu vực. Thế nhưng thời gian qua, chúng ta đã có quá nhiều bài học liên quan đến thủy điện, chẳng hạn như: “chặn” nguồn sống của người dân, hủy hoại môi trường, “giết chết” dòng sông… Đây là điều mà người dân chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Vì một khi hai dự án này được triển khai thì đời sống của nông dân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là về nguồn nước sản xuất, sinh hoạt.

* Anh K’Lâm (dân tộc S’Tiêng) ngụ tại ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú): Sông Đồng Nai bị chặn thì nông dân đói!

Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, thời gian qua, chúng tôi sống nhờ vào 4 sào ruộng lúa. Bà con dân tộc chúng tôi dù chưa thể làm giàu từ ruộng đồng nhưng số lúa thu được cũng đảm bảo lương thực hàng ngày cho gia đình. Nếu đầu nguồn sông bị chặn lại để làm thủy điện thì nước sông Đồng Nai sẽ cạn và không còn phù sa bồi đắp cho cánh đồng của chúng tôi. Như vậy, nông dân chúng tôi sẽ phải đói vì năng suất lúa chắc chắn bị giảm sút. Thời gian qua, vào mùa nắng hàng năm chúng tôi không canh tác được vì thiếu nước, phải bỏ ruộng khô. Nhà nước đã tạo điều kiện để chúng tôi sinh sống, phát triển ổn định ở khu tái định cư này trên 30 năm. Chính vì vậy, không thể vì làm thủy điện mà để người dân trở lại cuộc sống bấp bênh như trước. 

* Ông Quảng Trọng Khen, ngụ khu B, ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu): Sông “chết” thì dân cũng… khó sống

Sơ đồ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai.
Sơ đồ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

Gia đình tôi bao đời nay đều làm nông. Nguồn nước chính phục vụ cho tưới tiêu là dòng sông Đồng Nai. Nhờ có nước từ con sông này mà những năm qua, sản lượng nông sản của gia đình tôi cũng như bà con vùng này khá ổn định. Từ đó ai cũng tạo dựng cho gia đình mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nước từ sông Đồng Nai bơm lên tưới cho cây trồng nên sản lượng trong những năm gần đây tăng khá. Bởi thế, nếu hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được thực hiện, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sông Đồng Nai. Bà con chúng tôi đang rất lo, bởi sông Đồng Nai “chết” thì người dân chúng tôi cũng… khó sống vì chắc chắn sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đời sống.

* Ông Ngô Văn Nghi, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu): Chất lượng nước sông giảm sẽ ảnh hưởng đến bưởi Tân Triều

Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được các phương tiện thông tin đại chúng phân tích khá rõ lợi và hại. Trong đó đáng kể nhất là nó gây tác động xấu đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng hạ lưu. Ấp Vĩnh Hiệp là một cù lao nhỏ được bao bọc bởi một nhánh của sông Đồng Nai. Nhờ đặc thù này mà bao năm qua, người dân trong ấp đa phần đều dùng nước sông để tưới cho cây trồng, nhất là cây bưởi. Bưởi Tân Triều là một thương hiệu không chỉ của riêng chúng tôi mà còn là của tỉnh Đồng Nai. Do đó, nếu nguồn nước sông Đồng Nai bị giảm, thậm chí cạn kiệt vì phải chặn dòng trên thượng nguồn thì nguy cơ nước biển xâm lấn cũng tăng cao; từ đó loại bưởi Tân Triều nổi tiếng sẽ có nguy cơ bị xóa sổ.

Ảnh hưởng rất lớn đến khu vực hạ lưu

 Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy của sông Đồng Nai và môi trường tự nhiên; cũng như tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đời sống dân cư vùng hạ lưu. Từ hồ thủy điện Trị An trở lên thượng lưu thuộc địa bàn tỉnh hiện có 13 trạm bơm, tưới cho khoảng 2.650 hécta đất nông nghiệp của hai huyện Tân Phú, Định Quán. Sau hạ lưu đập thủy điện Trị An (thuộc huyện Vĩnh Cửu), TP.Biên Hòa có 17 trạm bơm, phục vụ tưới cho trên 1.275 hécta đất canh tác và hơn 5 ngàn hécta đất cây trồng ven sông ở TP.Biên Hòa, hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, tưới theo chế độ thủy triều của sông Đồng Nai. Do đó, khi công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được thực hiện thì việc điều tiết nước trong mùa khô sẽ có ảnh hưởng nhất định về dòng chảy. Đặc biệt là những đoạn sông cạn, nhiều thác ghềnh ở Tân Phú, Định Quán, nếu mực nước từ thượng nguồn về thấp hơn thiết kế mực nước của các công trình thủy lợi, sẽ gây khó khăn cho việc bơm tưới cây trồng. Đối với khu vực hạ lưu, khi nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai về ít thì khả năng nước mặn sẽ vào sâu, lúc đó không những gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ công nghiệp của các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh.

Tạ Nguyên

 

Văn Chính - Ngọc Liên (ghi)

(Còn tiếp)

 

 

 

Tin xem nhiều