Gần 1 tuần kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành nhưng tại các điểm cấm hút thuốc lá (HTL), nhiều người vẫn ngang nhiên phì phèo điếu thuốc. Qua những bức xúc của bạn đọc, Báo Đồng Nai xin trích đăng một số ý kiến đã gửi đến tòa soạn, đề cập đến việc làm sao để luật này được thực thi hiệu quả hơn.
Gần 1 tuần kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành nhưng tại các điểm cấm hút thuốc lá (HTL), nhiều người vẫn ngang nhiên phì phèo điếu thuốc. Qua những bức xúc của bạn đọc, Báo Đồng Nai xin trích đăng một số ý kiến đã gửi đến tòa soạn, đề cập đến việc làm sao để luật này được thực thi hiệu quả hơn.
Bất chấp biển cảnh báo được treo khắp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, nhưng người nhà bệnh nhân vẫn vô tư “nhả khói”. (Ảnh chụp lúc 14 giờ 30 ngày 5-5). Ảnh: VĂN CHÍNH |
* Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai: Nâng cao ý thức không HTL nơi công cộng
Bệnh viện phổi Đồng Nai là bệnh viện chuyên khoa về các bệnh hô hấp. Trước sự nguy hại của thuốc lá, thời gian qua Ban giám đốc bệnh viện luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động viên chức, lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hưởng ứng phong trào xây dựng bệnh viện không khói thuốc. Đồng thời, bệnh viện còn đặt nhiều bảng cấm và quy định xử phạt cụ thể, yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm quy định không hút thuốc lá trong bệnh viện. Tuy nhiên, tình hình hút thuốc ở nước ta thời gian qua nói chung đã trở nên rất phổ biến, tràn lan. Chính vì vậy, thói quen hút thuốc ở mọi lúc, mọi nơi đối với nhiều người là không thể bỏ được, ngay tại những nơi công cộng, như: trường học, bệnh viện, bến xe… thường dễ thấy khói thuốc mù trời. Tôi nghĩ rằng, để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống, đòi hỏi mọi người phải có ý thức chấp hành pháp luật nghiêm túc.
* Bà Đoàn Thị Diệu Hiền, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa): Nên có đường dây nóng để dân phản ánh
Hiện nay, phần lớn các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, bến xe… đều có biển báo “cấm hút thuốc”, hoặc “không hút thuốc”. Những bảng này dường như chỉ vận động, nhắc nhở chứ không mang tính răn đe nên nhiều người cố tình phớt lờ không thực hiện. Theo tôi, ngoài việc treo bảng cấm thì bên cạnh đó cần ghi thêm mức phạt đối với hành vi HTL nơi công cộng và đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng hình ảnh về những tác hại của thuốc lá gây ra cho sức khỏe người hút sao cho thật ấn tượng, để không chỉ người đã nghiện HTL phải suy nghĩ về tác hại của thuốc lá, mà những người khác, nhất là thanh thiếu niên khi nhìn thấy là bỏ ngay ý định hút thuốc. Mặt khác, phải thông báo số điện thoại nóng của ngành chức năng đối với việc xử phạt để người dân tố giác khi phát hiện có người vi phạm luật.
* Chị Trần Thị Liên, ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất): Cần lực lượng chuyên trách trong xử phạt
Tác hại nặng nề của thuốc lá Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người HTL cao nhất thế giới. Với tỷ lệ người không HTL bị ảnh hưởng bởi khói thuốc là 49% ở nơi làm việc, 68% ở nhà và từ 85 - 93% ở quán cà phê, nhà hàng, quán rượu... Hậu quả là trung bình mỗi ngày, Việt Nam có trên 100 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá , cao gấp 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ… |
Thường bị hút thuốc thụ động nên tôi rất mong đợi ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu thực thi hành. Tuy nhiên, sau ngày 1-5 vừa qua, tôi thấy tình trạng trên vẫn chưa chuyển biến tích cực. Đến những điểm mà luật quy định cấm không cho HTL, như: bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, phương tiện giao thông công cộng… tôi bắt gặp nhiều người thản nhiên phì phèo nhả khói thuốc mà có thấy ai tới xử phạt đâu. Trước đây, Nhà nước cũng ban hành quy định về xử phạt cấm HTL nhưng dường như cũng không xử phạt được ai. Tôi nghĩ rằng, tồn tại này là do thiếu lực lượng chuyên trách đảm đương nhiệm vụ kiểm tra, xử phạt. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá lần này quy định rất chi tiết về thẩm quyền xử phạt, mức phạt cũng cao hơn trước. Thế nhưng, nếu nhiều đơn vị có chức năng, quyền hạn về vấn đề này chỉ kiêm nhiệm trong việc thực hiện thì chắc chắn hiệu quả đạt không cao.
* Bé Vũ Kim Tường Vy, học sinh lớp 1/8, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức: Con không thích người lớn hút thuốc!
Mùi thuốc lá rất hôi nên khi thấy ai hút con không thích. Ở nhà, mỗi lần thèm thuốc ba con hay đứng ngay cửa sổ để hút nhưng con vẫn ngửi được mùi khói thuốc nên thấy rất khó chịu. Con nói ba đừng HTL vì có hại cho sức khỏe, nhưng ba không bỏ được. Mẹ hay nói người ngửi khói thuốc cũng bị bệnh như người hút thuốc, không biết đúng không, nhưng xem trên báo có hình đăng mấy người nghiện thuốc lá bị bệnh ốm trơ xương trông ghê quá.
Ngày 31-5 hàng năm là Ngày thế giới không hút thuốc lá Cùng với tác hại gây ra cho người trực tiếp HTL thì số người thường xuyên ngửi khói thuốc (hút thuốc thụ động) cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là phụ nữ và trẻ em. - Tác hại đối với trẻ em: Gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới, như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp và mạn tính dẫn đến gây điếc cho trẻ, cũng như khả năng nhận thức kém trong các hoạt động và học tập. Người liên tục hít khói thuốc lá còn bị ảnh hưởng đến cơ tim, làm hạn chế việc cung cấp oxy cho các mô trên cơ thể và giảm đáp ứng nhịp tim. Ngoài ra, trẻ em hít phải khói thuốc lá sẽ dễ bị bệnh đường ruột, viêm đại tràng. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thì nguy cơ bị loét đại tràng tăng gấp 2 lần so với trẻ không tiếp xúc. Đồng thời khi phơi nhiễm với môi trường khói thuốc thì thường bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng và dễ bị cúm hơn so với những trẻ không phơi nhiễm. - Tác hại đối với phụ nữ: Phụ nữ bị phơi nhiễm do hút thuốc lá thụ động kéo dài thì ngoài khả năng mắc các bệnh ung thư, hô hấp, thần kinh, tai mũi họng... còn có nguy cơ thụ thai chậm, mất khả năng sinh con, đẻ non, sảy thai ngoài ý muốn do khói thuốc phá hủy các noãn bào... |
Kim Liễu (ghi)