Báo Đồng Nai điện tử
En

Người thu nhập thấp kỳ vọng gì? (Bài cuối)

08:04, 05/04/2013

Các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho những thành phần thu nhập thấp (TNT) vay để thuê, mua nhà ở xã hội (NƠXH) với lãi suất thấp theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ… Thế nhưng, liệu nguồn vốn vay ưu đãi có đến được đối tượng này?

Các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một lượng vốn hợp lý để cho những thành phần thu nhập thấp (TNT) vay để thuê, mua nhà ở xã hội (NƠXH) với lãi suất thấp theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ… Thế nhưng, liệu nguồn vốn vay ưu đãi có đến được đối tượng này?

Một khu nhà ở kinh doanh tại huyện Nhơn Trạch đã hoàn thiện nhưng phải bỏ hoang.
Một khu nhà ở kinh doanh tại huyện Nhơn Trạch đã hoàn thiện nhưng phải bỏ hoang.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 45 ngàn hộ ở đô thị thuộc thành phần TNT đang cần nhà ở ổn định. Chính vì vậy, thông tin về chủ trương cho những đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, lực lượng vũ trang (gọi chung là người có TNT) được vay vốn ưu đãi để thuê, thuê mua NƠXH hoặc nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, được rất nhiều người quan tâm. Vì nếu được vay với lãi suất 6% trong 3 năm đầu, tiếp đến là dưới 10% và thời gian kéo dài 10 năm thì nhiều gia đình có thể sở hữu một căn nhà như ý muốn.

* Nghịch lý nhà ở

Chỉ tính riêng TP.Biên Hòa, tại khu vực gần đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn thuộc phường Quang Vinh có một số block chung cư cao tầng xây xong từ khá lâu nhưng hiện tại vẫn còn khá vắng vẻ, ít người ở. Hay như ở huyện Nhơn Trạch, nhiều dự án xây dựng biệt thự, nhà liên kế đã hoàn tất từ lâu song rất đìu hiu. Điển hình là khu dân cư Khu đô thị mới Long Thọ - Phước An do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) triển khai thực hiện từ năm 2005 với nhiều ngôi nhà đã hình thành khang trang nhưng đến nay vẫn… bỏ hoang. Trong khi đó, số hộ đang ở nhà thuê trên toàn tỉnh là rất lớn. Đó là chưa kể lực lượng công nhân lao động từ các địa phương khác đến làm việc tại những khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Đồng Nai hàng chục năm qua vẫn phải sống trong những phòng trọ chật hẹp. Điều này dẫn đến một nghịch lý “thiếu và thừa”, bởi người cần nơi ở thì không có nhưng rất nhiều nhà xây hoàn chỉnh rồi để… cỏ mọc bao phủ. Vì vậy, đông đảo người TNT đang rất kỳ vọng về chính sách mới đối với nhà ở sẽ nhanh chóng được triển khai thì người lao động mới sớm tiếp cận được nguồn vốn. Không ít ý kiến thắc mắc, một khi người TNT chưa có nơi ở, tức không có tài sản thế chấp, liệu sẽ được giải quyết vốn vay đầy ý nghĩa này? Do đó, nhất thiết phải có cơ chế đặc thù cho nhóm đối tượng được vay tiền từ chính sách ưu đãi mà Chính phủ vừa ban hành.

Mới đây, tại buổi họp báo ở Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông báo, quan điểm của Chính phủ là sẽ sửa các quy định cần thiết để người dân được vay vốn với lãi suất thấp có thể mua được nhà ở xã hội, chứ không chỉ vay để thuê chỗ ở. Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngoài việc điều chỉnh đối tượng và mục đích vay có hỗ trợ như trên thì thời hạn vay ưu đãi cũng kéo dài hơn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp, phương án cụ thể nhằm tìm cách giảm thêm lãi và không để vượt quá lãi suất thông thường trên thị trường, từ đó mới tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà.

Nhận định về tình hình bất động sản trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thống kê mới đây cho thấy, số lượng tồn kho ở Đồng Nai hiện có giá trị trên 2,8 ngàn tỷ đồng, gồm: căn hộ chung cư 204 căn, giá trị 413 tỷ đồng; nhà ở thấp tầng 74 căn, giá trị 153 tỷ đồng; đất nền nhà gần 2 triệu m², giá trị 2 ngàn tỷ đồng; văn phòng cho thuê và mặt bằng thương mại hơn 13 ngàn m², giá trị 257 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành cân đối, tính toán chuyển nguồn vốn ngân sách dự kiến thực hiện tái định cư để mua lại nhà ở thương mại làm nhà tái định cư hoặc NƠXH. Ngoài ra, tỉnh rà soát tất cả các dự án nhà ở kinh doanh để phân loại công trình nào được tiếp tục thực hiện hoặc tạm dừng. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở để có kế hoạch chuyển đổi sang NƠXH cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

* Doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh

Ngoài đối tượng TNT sắp tới được hưởng ưu đãi vốn vay với lãi suất thấp thì một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang rục rịch chuyển hướng làm ăn. Ở Đồng Nai, doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi nhà ở thương mại sang NƠXH là Công ty cổ phần đầu tư Phúc Đạt.[links(right)]

Ngày 19-4-2012, Công ty cổ phần đầu tư Phúc Đạt có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị việc được chuyển đổi một phần dự án Golden Age Towers sang nhà ở dành cho người TNT. Dự án Golden Age Towers là công trình phát triển 4 block chung cư 20 tầng thuộc KP3, phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Kiến nghị này đã được UBND tỉnh chấp thuận. Thực ra, việc chuyển hướng kinh doanh của Công ty cổ phần đầu tư Phúc Đạt là phù hợp với tình hình hoạt động của thị trường bất động sản hiện nay. Bởi căn cứ Nghị quyết 02/NQ-CP thì doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi. Chẳng hạn, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư nhà ở kinh doanh sang NƠXH sẽ được vay vốn với lãi suất hợp lý. Ngoài ra, kỳ hạn trả nợ ngân hàng phù hợp, bằng với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, UBND tỉnh khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang NƠXH; hoặc làm các công trình dịch vụ, như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu… nhưng phải phù hợp với quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng chung.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến dành gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng để tạo điều kiện cho người TNT được thuê, thuê mua NƠXH; doanh nghiệp tiếp tục có nguồn vốn để đầu tư kinh doanh, trong đó có NƠXH. Đây chính là cơ chế thoáng, mà nếu không có sự can thiệp từ Chính phủ thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục bị ngừng trệ, trong đó có NƠXH, gây lãng phí lớn; nhất là người thu nhập thấp dù nằm mơ cũng không biết đến bao giờ mua được căn nhà cho riêng mình...

Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích