Báo Đồng Nai điện tử
En

Công trình… tê liệt! (Bài 1)

10:04, 03/04/2013

Sau thời gian dài thị trường bất động sản bị “đóng băng”, ngày 7-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có nhà ở xã hội (NƠXH)…

Sau thời gian dài thị trường bất động sản bị “đóng băng”, ngày 7-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có nhà ở xã hội (NƠXH)…

Mô hình nhà ở xã hội cao 22 tầng ở phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa đã phải ngừng thi công hơn 1 năm nay.
Mô hình nhà ở xã hội cao 22 tầng ở phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa đã phải ngừng thi công hơn 1 năm nay.

Ở Đồng Nai, tính đến nay có khoảng 400 dự án (DA) lớn nhỏ phát triển khu dân cư và khu đô thị được phê duyệt với khoảng trên 82 ngàn căn hộ, tập trung tại TP.Biên Hòa và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản từ Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ nên đến nay, mới có số ít công trình được triển khai. Riêng NƠXH, chỉ duy nhất một DA được khởi công xây dựng, nhưng đã ngừng thi công hơn 1 năm qua.

* Háo hức rồi… thất vọng

Tháng 10-2009, DA đầu tư xây dựng NƠXH cho người thu nhập thấp ở phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sơn An (gọi tắt là Công ty Sơn An) làm chủ đầu tư được khởi công. Sau hơn 1 năm thi công, đến tháng 3-2011, công trình buộc phải “trùm mền” vì thiếu vốn. Có thể nói, NƠXH phường Tam Hòa là công trình cao tầng quy mô đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai. DA được thiết kế 22 tầng, trong đó có 1 tầng hầm để xe, 3 tầng kinh doanh thương mại và 1 tầng chống nóng, còn lại 17 tầng với 408 căn hộ, diện tích 70m2/hộ, khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết chỗ ở cho trên 2 ngàn người. Theo kế hoạch, trong năm 2013 DA hoàn thành.

- Tháng 9-2012, UBND tỉnh có văn bản gởi Văn phòng Chính phủ kiến nghị Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Ngân hàng phát triển Việt Nam tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư DA NƠXH phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa). Điều này cho thấy, lãnh đạo tỉnh rất nóng lòng trong việc phát triển NƠXH ở Đồng Nai. Hiện tại, Công ty Sơn An đang hoàn thiện hồ sơ kiểm toán theo quy định để nộp cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định. Nếu không có gì thay đổi thì tháng 5 tới, công ty sẽ được vay vốn, ngay lập tức công trình NƠXH phường Tam Hòa sẽ khởi động trở lại.

Ngay sau khi triển khai DA, Công ty Sơn An tiến hành nhận hồ sơ xét duyệt bước đầu, tiếp đến chuyển cho Sở Xây dựng kiểm tra đối với đối tượng có nhu cầu về nhà ở theo đúng tiêu chí. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 500 bộ hồ sơ được gửi về. Tuy nhiên, chỉ có 130 trường hợp thuộc đúng đối tượng cần nơi ở được giải quyết. Thực tế, số hồ sơ đủ tiêu chuẩn được mua NƠXH nhiều hơn, song một số người đã bỏ cuộc vì không thể lo đủ khoản tiền trả góp hàng tháng. Giá một căn hộ ở thời điểm đó tạm tính 8 triệu đồng/m2, tức mỗi căn hộ là 560 triệu đồng. Người mua khi làm thủ tục ký hợp đồng chỉ phải trả trước 30% (khoảng 170 triệu đồng), phần còn lại nộp theo định kỳ. Thế nhưng, không ít công nhân viên chức, người lao động chỉ đủ khả năng thanh toán 30% giá trị hợp đồng mua nhà, số còn nợ lại (70%) dự kiến sẽ vay vốn ngân hàng và phải trả trong 10 năm trở lên. Song, quy định đối với hoạt động tín dụng khi đó rất khắt khe, quyền sử dụng đối với NƠXH không được coi như tài sản thế chấp để đảm bảo tiền vay. Chính vì vậy, rất nhiều người dù đã được xét mua NƠXH rất hồ hởi, nóng lòng chờ đợi có nơi ở mới nhưng cuối cùng thất vọng, buộc phải hủy hợp đồng. Vì khi nhìn lại thu nhập hàng tháng của bản thân cũng như gia đình, những trường hợp này không thể đáp ứng được điều kiện mua trả góp NƠXH.

* Đủ đường chạy vốn

Tổng giá trị đầu tư DA NƠXH phường Tam Hòa là trên 306 tỷ đồng. Để có thể đáp ứng tiến độ thi công, Công ty Sơn An đã phải “gõ cửa” nhiều nơi để được vay vốn. Riêng kinh phí ban đầu của chủ đầu tư được hình thành từ các nguồn: vốn góp của công ty hơn 41 tỷ đồng; vốn góp của đơn vị hợp tác đầu tư Vinaconex Xuân Mai gần 30 tỷ đồng; tiền tạm ứng, đặt cọc của khách hàng khoảng 27 tỷ đồng; tổng cộng là 98 tỷ đồng, đạt 32% giá trị công trình. Trước tình thế khó khăn về kinh phí và mặc dù được các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương ủng hộ, tạo điều kiện nhưng Công ty Sơn An vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Ngay cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh Đồng Nai cũng lắc đầu cho biết, khả năng tài trợ vốn cho công ty là không thể. Nguyên nhân là giấy chứng nhận quyền sử dụng DA NƠXH không được các ngân hàng chấp nhận như một tài sản đảm bảo tiền vay. Cuối cùng, Công ty Sơn An buộc lòng phải vay vốn của ngân hàng thương mại với lãi suất 28%. Đây quả là bài toán nan giải của một DA được lãnh đạo tỉnh chờ đợi, cùng đông đảo người dân kỳ vọng, mơ ước. Điều đáng nói là do “lực bất tòng tâm”, sau hơn 1 năm gồng mình trả lãi vay cao ngất để xây dựng hoàn thành tầng hầm rộng 3 ngàn m2 và 2 tầng thương mại, cho đến “giờ G” của một ngày tháng 3-2012, lãnh đạo công ty “gõ kẻng” đóng cửa công trình và tuyên bố: các nhân công ai về nhà nấy.

- Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thời gian qua thị trường bất động sản diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp đưa ra thị trường các dự án nhà ở có mức giá từ 7 đến 10 triệu đồng/m2 là tín hiệu tích cực để có thể kéo giá nhà ở trung bình xuống mức phù hợp với thu nhập của người dân. Trong tương lai, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có những chính sách ưu đãi hơn nữa về đất đai, như: không thu tiền sử dụng đất, thuế và thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội…

Hơn 1 năm qua, tính từ ngày công trình NƠXH phường Tam Hòa rơi vào im lặng, toàn bộ công trường không khác gì “vùng đất hoang”, chẳng ai lui tới. Hàng ngày nơi đây chỉ có 2 người thay phiên nhau trực bảo vệ tài sản. Nhìn khối nhà thi công dở dang, Tổng giám đốc Công ty Sơn An Nguyễn Khắc Sơn không khỏi trăn trở khi nghĩ đến số phận khá hẩm hiu của DA vốn được nhiều người trông đợi. Theo ông Sơn, nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và NƠXH nói riêng, thì không chỉ công trình NƠXH mới tê liệt, mà cả DA nhà ở khác chắc chắn cũng cùng chung số phận. Bước phát triển nhà ở cao tầng hay chung cư NƠXH của một đất nước đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa là tất yếu, điều này phù hợp với yêu cầu của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Bởi hiện tại, trong xã hội còn rất nhiều trường hợp chưa có nhà ở ổn định, cần nơi ở mới kiên cố, phù hợp hơn.

Tạ Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích