Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 4 năm qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 166 trường hợp trẻ bị đuối nước (TBĐN), chiếm 59% trong tổng số trẻ tử vong do tai nạn, thương tích.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 4 năm qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 166 trường hợp trẻ bị đuối nước (TBĐN), chiếm 59% trong tổng số trẻ tử vong do tai nạn, thương tích.
Để khắc phục tình trạng này, hàng năm các cơ quan chức năng đều xây dựng chương trình hành động phòng chống đuối nước. Thế nhưng, số vụ TBĐN hàng năm vẫn tăng. Một trong những nguyên nhân được xác định là do kế hoạch dạy cho trẻ em biết bơi chưa được tổ chức thực hiện hiệu quả.
* Hơn 30 trẻ đuối nước mỗi năm
Trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, số lượng TBĐN có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 30 TBĐN, năm 2011 là 33 em thì con số này tăng lên 37 em vào năm 2012.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng TBĐN, song chủ yếu là do trẻ không biết bơi, chưa được trang bị những kiến thức về an toàn trên mặt nước. Nhiều trường hợp trẻ bị chết đuối chỉ vì thiếu sự giám sát của cha mẹ, hoặc người giữ trẻ lơ là. Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh với nhiều nguy cơ không an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho trẻ em.
Lớp dạy bơi cho trẻ em tại Câu lạc bộ bơi lội Sông Phố, TP.Biên Hòa. |
Điển hình là trường hợp đuối nước của hai chị em ruột Nguyễn Hồ Xuân Quyên (9 tuổi) - Nguyễn Hồ Xuân Trang (6 tuổi) và Tạ Huỳnh Ngọc Thúy (8 tuổi) đều là học sinh Trường tiểu học Tân Thành, phường Bửu Long
(TP.Biên Hòa) xảy ra vào cuối tháng 3 vừa qua. Sau khi bắt ốc ven sông Đồng Nai, các em rủ nhau xuống sông tắm, do mải ra phía xa nên khi nước lên nhanh đã không kịp bơi vào bờ, cả ba liền bị nước cuốn.
Hay như vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho 5 học sinh, nhỏ nhất 7 tuổi, lớn nhất 11 tuổi, ngụ ấp 2B, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) vào giữa tháng 5-2012. Tranh thủ ngày chủ nhật được nghỉ học, các em đi lượm hạt điều để tăng thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ. Trên đường về, một em bị sẩy chân té xuống mương nước do một người dân khơi sâu để dẫn nước tưới rẫy. Vì cứu bạn mà lần lượt 4 đứa trẻ còn lại đều bị nhấn chìm…
Những vụ trẻ em bị chết đuối, dù bất kỳ lý do nào đều cho thấy, nhiều gia đình chưa thật sự sâu sát đối với con em mình. Mặt khác, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ cũng chưa được quan tâm đúng mức.
* Dạy bơi… cho thầy!
Để ngăn chặn tình trạng TBĐN, từ năm 2010 cho đến nay, các sở, ngành liên quan, như: Lao động - thương binh và xã hội; GD-ĐT; Văn hóa - thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và mở các lớp dạy bơi cho trẻ em. Qua đó, một số văn bản phối hợp đã được ký kết. Chẳng hạn mới đây, hai sở GD-ĐT và VHTT&DL thống nhất tổ chức những lớp tập bơi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện 1 lớp tập huấn kỹ thuật bơi cho trên… 200 giáo viên. Riêng việc trẻ em học bơi, theo báo cáo là chưa thể triển khai được vì thiếu hồ bơi. Thống kê của Sở GD-ĐT cho biết toàn tỉnh chỉ có 6/776 trường học có hồ bơi đều nằm trong các trường tư thục.
Mỗi năm phổ cập bơi cho 20% số trẻ từ 6-16 tuổi Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2013-2015 do UBND tỉnh ban hành mới đây. Ngoài ra, còn có một số mục tiêu cụ thể khác, như: hàng năm tăng trên 20% số lượng trẻ biết bơi an toàn thông qua các hoạt động dạy bơi và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước; 100% các huyện, thị xã, thành phố phải triển khai hoạt động phòng chống đuối nước… |
Nhận định về chủ trương mở lớp tập bơi cho học sinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao Sở VHTT&DL Lưu Trọng Tuấn nhấn mạnh:“Mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ được xác định là vấn đề hết sức cần thiết trong việc phòng chống đuối nước. Do vậy, một khi trẻ không có điều kiện để tiếp xúc với các lớp bơi, có thể xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác phòng chống đuối nước chưa đạt hiệu quả cao”. Theo ông Tuấn, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giúp học sinh có ý thức tự bảo vệ bản thân, trong đó có cả kỹ năng về phòng chống đuối nước. Ngoài ra, ngành chức năng còn tổ chức những cuộc thi tìm hiểu, ứng xử tình huống liên quan đến phòng chống đuối nước tại các trường học để học sinh hiểu rõ hơn nguy cơ về đuối nước.
Không thể phủ nhận vai trò của công tác tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ. Thế nhưng, bên cạnh việc phổ cập lý thuyết thì phần thực hành “xóa mù” bơi cho trẻ, giúp các em biết cách tồn tại trong môi trường nước cũng quan trọng không kém. Đáng tiếc là điều này chưa thực hiện được.
Kim Liễu