Trong đình Bình Trước, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa, có một đôi vợ chồng già đã vào cái tuổi gần đất xa trời. Do phải nuôi 3 đứa cháu ngoại nên dù sức đã kiệt nhưng cụ ông vẫn ngày ngày rong ruổi đây đó để kiếm tiền trang trải chi phí trong gia đình...
Trong đình Bình Trước, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa, có một đôi vợ chồng già đã vào cái tuổi gần đất xa trời. Do phải nuôi 3 đứa cháu ngoại nên dù sức đã kiệt nhưng cụ ông vẫn ngày ngày rong ruổi đây đó để kiếm tiền trang trải chi phí trong gia đình...
Đó là cụ ông Nguyễn Văn Lớt, 90 tuổi và cụ bà Nguyễn Thị Phương, 64 tuổi. Trước kia, gia đình ông Lớt đi xây dựng vùng kinh tế mới ở TX.Long Khánh nhưng làm ăn thất bại. Khi quay trở về nơi ở cũ, đất đai nhà cửa đã không còn. Ông Lớt xin với Ban Quý tế đình Bình Trước cho được ở nhờ gian nhà đằng sau của đình. Tại đây, vợ chồng ông Lớt có chỗ đi về, vừa để trông coi đình. Ngày ngày, bà Phương đi bán vé số, ông Lớt mang theo hòn đá mài đi mài dao kéo rong. Số tiền hai vợ chồng già kiếm được trong ngày không đủ nuôi 5 miệng ăn. Vì thế, họ phải vay mượn khắp nơi, nợ nần chồng chất. Các con ông bà nay đã ra riêng nhưng ai cũng nghèo khổ nên không giúp được gì cho cha mẹ. Đã thế, người con gái đầu bỏ đi lang thang, để lại 3 đứa con dại cho ông bà ngoại nuôi.
Cách đây khoảng chục năm, bà Phương đổ bệnh teo cơ khiến việc đi lại rất khó khăn. Không có tiền chữa trị, ai cho thuốc gì uống nấy nên gần đây, chân tay bà Phương co rút, teo lại. Hiện tại, bà Phương chỉ ngồi một chỗ. Trước hoàn cảnh khá bi đát này, ông Lớt đã phải nỗ lực hơn để chạy vạy lo ăn uống cho cháu và thuốc men cho vợ. 3 đứa cháu ngoại của ông Lớt đang tuổi ăn học nhưng thiếu thốn đủ thứ, kể cả tiền học nhiều khi không có để đóng. Nhắc đến chuyện gia đình mình, bà Phương nghẹn ngào nói trong nước mắt: “ Mấy chục triệu đồng để mổ chân là số tiền quá lớn đối với chúng tôi. Bệnh của tôi chỉ có mổ mới mong đi lại được. Ngồi một chỗ thấy chồng già vì mình mà bươn chải khắp chỗ, thấy tội nghiệp nhưng không thể đỡ đần được gì. Tôi cũng muốn đi làm mướn, hoặc bán vé số để phụ giúp ông ấy kiếm tiền nuôi cháu, nhưng giờ thì bất lực rồi…”. Nói đến đây, bà Phương òa khóc và cho biết, lâu nay vợ chồng bà không được hưởng bất kỳ chính sách ưu đãi gì từ chính quyền địa phương.
Bà Đào Thị Liên, người thỉnh thoảng giúp đỡ gia đình ông Lớt tiền, gạo chia sẻ: “Gia đình ông bà cụ là trường hợp đăng ký tạm trú nên việc làm giấy tờ, như: khai sinh, hồ sơ nhập học cho mấy cháu nhỏ rất khó khăn, đứa nào cũng học trễ. Hoàn cảnh neo đơn, sức lực cạn kiệt khiến ông bà sống cơ cực. Ông Lớt làm nghề mài dao, cái nghề gần như đã xóa sổ với thị trường dao, kéo đủ loại thì làm sao kiếm ăn no đủ. Những người lối xóm chúng tôi luôn đến động viên ông bà cụ sống vui vẻ với các cháu. Mong sao các nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ bà Phương được mổ chân để bà có thể đi lại phụ giúp ông trong những năm tháng cuối đời”.
Cường Dung (TP.Biên Hòa)