Mới đây, nghe tin có doanh nghiệp (DN) đến đo đất để triển khai dự án, hàng chục hộ dân ở KP8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) đã bỏ cả chuyện làm ăn để ở nhà giữ đất. Vì sao có chuyện ầm ĩ này?
Mới đây, nghe tin có doanh nghiệp (DN) đến đo đất để triển khai dự án, hàng chục hộ dân ở KP8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) đã bỏ cả chuyện làm ăn để ở nhà giữ đất. Vì sao có chuyện ầm ĩ này?
Thực tế, đây không phải lần đầu người dân ở KP8, phường Long Bình mới phản ứng căng thẳng như vậy. Mà lâu nay, tình trạng người dân không đồng ý để DN triển khai thi công các dự án trở nên phổ biến.
* Sợ mất đất
Ngày 25-3, nghe thông tin Công ty T.B.C chuẩn bị đo vẽ phần diện tích đất được cơ quan chức năng giới thiệu để xây nhà xưởng mới, 65 hộ dân thuộc tổ 20-21, KP8, phường Long Bình đã tập trung phản đối, gây ồn ào ở khu dân cư.
Người dân KP8 tụ tập ngăn cản việc đo vẽ của Công ty T.B.C. |
Lý do người dân không đồng tình để DN triển khai thi công dự án, vì khu đất đó thuộc khu vực người dân đang sinh sống. Bà Vũ Thị Thiện, một hộ dân sống ở đây từ năm 1988 bức xúc: “Chúng tôi đang sống ổn định ở đây nên không muốn di dời đi nơi khác. Bởi nếu chấp nhận để DN thực hiện dự án thì cuộc sống của chúng tôi sẽ xáo trộn, gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, Công ty T.B.C chọn một địa điểm khác để xây dựng cơ sở thì hợp lý hơn. Chúng tôi kiến nghị nghị cơ quan chức năng xem xét lại quyết định này”. Cùng quan điểm với bà Thiện, ông Trịnh Phúc Diễn nói: “Những ngày qua, chúng tôi bỏ công ăn việc làm để cùng nhau bàn cách đối phó việc làm này của DN. Chính vì vậy, cuộc sống của mọi gia đình có đất trong dự án phần nào đó bị ảnh hưởng. Chúng tôi không thể chấp nhận chỗ người dân đang cư ngụ lại xây dựng công trình khác”.
Cách đây không lâu, UBND phường Long Bình đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại KP8. Theo ý tưởng trong dự thảo, thì khu vực trên sau này sẽ là 1/3 khu dân cư mới. Tuy nhiên, đa số cư dân ở đây không đồng tình với ý kiến điều chỉnh quy hoạch chung.
* Ngoài khả năng của phường
Thực ra, toàn bộ khu vực thuộc KP8 trước đây là đất quốc phòng, do Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa quản lý. Quá trình phát triển rừng, một số hộ dân được giao đất trồng rừng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã tự ý sang nhượng đất rừng trái phép, khiến tình hình an ninh trật tự tại khu vực này thời gian qua trở nên phức tạp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, cán bộ địa chính phường Long Bình, tỉnh đang có chủ trương giao khu đất này cho Khu công nghiệp Amata quản lý. Theo dự án mở rộng Khu công nghiệp Amata, giai đoạn 2 thì khu đất T.B.C đang sử dụng nằm trong dự án phải mở rộng nên buộc công ty này phải di dời đi nơi khác. Trong khi đó, trao đổi về “sự cố” diễn ra trong mấy ngày qua ở KP8, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tống Thanh Đa cho biết, đây là chủ trương của tỉnh và thành phố, phường không thể can thiệp. Song, để tránh tình trạng người dân tụ tập đông người, phường đã vận động bà con bình tĩnh, không được có hành vi làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Theo ông Đa, UBND phường đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố sớm giải quyết dứt điểm vụ việc thì mới có thể bảo đảm ổn định cho khu dân cư.
Trả lời về những thắc mắc của dân về vấn đề liên quan đến Công ty T.B.C sắp triển khai dự án, Chánh văn phòng UBND TP.Biên Hòa Hồ Văn Lộc khẳng định, dự thảo về phân khu ở KP8 hiện mới chỉ là ý tưởng, việc đưa ra lấy ý kiến của người dân chưa phải là quyết định cuối cùng. Trước phản ứng có phần căng thẳng của dân, TP.Biên Hòa sẽ kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại quyết định thỏa thuận địa điểm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thành phố sẽ sớm tiến hành làm việc và đề nghị Công ty T.B.C có sự trao đổi, bàn bạc cụ thể với các hộ dân, nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện dự án.
“Tôi cho rằng, việc đo đạc của Công ty T.B.C vừa qua là thủ tục bình thường theo quy trình mà chủ đầu tư phải làm. Từ đây mới có cơ sở bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Còn việc thu hồi đất của dân để giao cho chủ đầu tư thì phải có quyết định của UBND tỉnh mới tiến hành triển khai được” - ông Lộc nhấn mạnh.
Ngọc Liên
T