Báo Đồng Nai điện tử
En

Thức ăn đường phố tiếp tục… xuống đường

10:03, 08/03/2013

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước xây dựng văn minh đô thị, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30 (có hiệu lực từ ngày 20-1-2013). Tuy nhiên đến nay, vấn đề này dường như chưa được thực hiện nghiêm túc.

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước xây dựng văn minh đô thị, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30 (có hiệu lực từ ngày 20-1-2013). Tuy nhiên đến nay, vấn đề này dường như chưa được thực hiện nghiêm túc.

Thông tư 30 yêu cầu người kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP) phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài ra còn phải khám và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để tham gia buôn bán thức ăn chín, thức ăn dùng ngay. Nơi buôn bán TĂĐP phải cách xa các miệng cống, hố ga, phải có bảo hộ lao động về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua trên nhiều tuyến đường ở TP.Biên Hòa vẫn nhan nhản hàng rong. Đặc biệt là tại các cổng trường, trước bệnh viện, khu công nghiệp…, nhiều gánh hàng rong được bày bán, như: bún, bánh nướng, cơm chiên, bánh ăn ngay và một số loại nước giải khát tự pha chế… Khách hàng của những loại thức ăn này đa số là người lao động thu nhập thấp hoặc học sinh. Nhiều lần đi đón con tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, tôi luôn gặp các cháu nhỏ vô tư ăn uống tại những gánh hàng bày bán dọc vỉa hè. Nghe tôi hỏi vì sao không có đồ đậy thức ăn, một chị bán hàng rong trên chiếc xe gắn máy dựng trước trường vô tư trả lời: “Cần gì, những thứ chị làm đều rất sạch sẽ. Chị bán ở đây mấy năm rồi, khách hàng đều là học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức. Các cháu ăn hoài mà có sao đâu”.

TP.Biên Hòa hiện có trên 2 ngàn cơ sở, điểm bán TĂĐP. Theo ngành y tế thành phố, đây là con số quá lớn so với nhân sự quản lý của cơ quan chức năng cũng như chính quyền các phường, xã. Nhận định về hoạt động về TĂĐP, bác sĩ Nguyễn Văn Trai, Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa cho biết, ngoài một số điểm ăn uống cố định thì những người hành nghề bán hàng rong đa số nghèo, phần lớn hoạt động theo thời vụ. Chính vì vậy, rất khó xử phạt các trường hợp này theo đúng quy định. Do đó, để thực hiện Thông tư 30 thì phải có một lộ trình nhất định. Trước tiên là tuyên truyền vận động, tạo điều kiện để số tiểu thương này chuyển nghề hoặc chấp hành nghiêm các quy định của Thông tư 30, sau đó mới áp dụng các hình thức khác.

Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi ý thức của người bán TĂĐP, cũng như người tiêu dùng. Chỉ khi nào mọi người nói không với TĂĐP thì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là TĂĐP mới được cải thiện.

Khắc Thiết

 

 

Tin xem nhiều