Báo Đồng Nai điện tử
En

Ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất mộc

11:03, 29/03/2013

Làng mộc Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

 

Làng mộc Tân Hòa (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

Công nhân một cơ sở mộc gần Trường tiểu học Hòa Bình đang xịt sơn PU cho sản phẩm đồ gỗ.
Công nhân một cơ sở mộc gần Trường tiểu học Hòa Bình đang xịt sơn PU cho sản phẩm đồ gỗ.

KP2 và KP3 của phường Tân Hòa là nơi tập trung nhiều hộ sản xuất, gia công, chế biến gỗ. Hiện nay, ở đây có khoảng 50% hộ gia đình sống bằng nghề mộc với trên 200 cơ sở sản xuất. Điều đáng nói là các cơ sở này nằm xen lẫn trong khu dân cư nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Anh Nguyễn Thế Tâm, một người dân KP3 cho biết, nhà anh bị “bao vây” bởi các cơ sở mộc. Hàng ngày, tiếng máy cưa, máy bào vang lên ầm ĩ, nhiều hôm có hộ còn làm tới 10 giờ đêm mới nghỉ. Bên cạnh đó, bụi từ mùn cưa và bào gỗ bay tứ tán rồi bám vào đồ vật trong nhà của các hộ dân. Do bị hứng bụi, nhiều người trong khu dân cư, nhất là người già, trẻ em thường xuyên bị các bệnh hô hấp. Ngoài ra, khi các hộ làm mộc sơn PU cho sản phẩm gỗ thì mùi hóa chất của sơn lan tỏa, người dân không chịu nổi. “Chúng tôi đã nhiều lần phản ảnh lên chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm ở những khu vực làm đồ mộc. Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện chẳng có gì thay đổi” - một người dân ở KP3 than phiền.

Có mặt tại làng mộc trên tuyến đường liên khu phố 2 và 3 nối quốc lộ 1 vào ga Hố Nai, chúng tôi thấy nhiều cơ sở bày hàng mộc ra hai bên lề đường để tiến hành xịt sơn PU. Thợ thực hiện công đoạn này đều đeo khẩu trang. Chứng kiến quá trình sơn PU cho sản phẩm gỗ, chỉ chừng 15 phút, chúng tôi chịu không nổi mùi hóa chất nên phải đi nơi khác. Trong khi đó, kế bên một cơ sở mộc là Trường tiểu học Hòa Bình hàng ngày phải hứng chịu ô nhiễm do sơn PU phát tán. Thời điểm tan học, đa số học sinh khi ra về phải bịt mũi. Chúng tôi đã chứng kiến một học sinh ôm ngực ho khan và nôn ọe ngay trước cổng trường. Hỏi ra mới biết, học sinh này không chịu nổi mùi sơn PU. Nhận định về quá trình sản xuất ở làng mộc Tân Hòa, ông Mai Văn Toàn, Trưởng KP3 cho biết, tình hình ô nhiễm từ các cơ sở mộc tại địa phương ngày càng nặng nề. Việc xịt sơn PU, cũng như ô nhiễm bụi đã làm cho cuộc sống nhiều gia đình trong khu dân cư bị đảo lộn; nhiều hộ phải đóng kín cửa suốt ngày.

 Polyurethane (ký hiệu IUPAC PUR, thường viết tắt là PU) thường được dùng đánh bóng và bảo vệ đồ gỗ. Formaldehyde là một trong những thành phần có trong sơn PU để tạo kết dính quan trọng đối với ngành công nghiệp gỗ. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, đã có đủ chứng cứ cho thấy formaldehyde là một tác nhân gây ung thư. Loại hóa chất khá phổ biến này chuyên gây bệnh ở mũi, miệng và có thể là thủ phạm gây bệnh bạch cầu. Ngoài ra, formaldehyde là chất gây ho và dị ứng da. Nếu bị dị ứng với nồng độ cao hơn từ 0,3 ppm trở lên, có thể gây đau rát mắt, mũi và họng. Từ năm 2004, WHO đã xếp formaldehyde vào nhóm chất gây các bệnh ung thư: vòm họng, thanh quản và các bộ phận của hệ hô hấp.

Nói về tình trạng ô nhiễm ở làng mộc, Chủ tịch UBND phường Tân Hòa Nguyễn Trung Chính khẳng định, thời gian qua chính quyền địa phương nhận được nhiều phản ảnh của dân về vấn đề này. Theo đó, UBND phường đã trực tiếp xuống kiểm tra, đồng thời buộc các chủ cơ sở ký cam kết về việc khắc phục ô nhiễm. Cụ thể, các gia đình làm nghề mộc phải được che chắn kín, không chế biến gỗ vào ban đêm gây tiếng ồn… Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, tình trạng bụi từ cưa xẻ gỗ, mùi sơn PU lại tiếp tục phát tán ra môi trường.

Liên hệ với Phòng Tài nguyên - môi trường (TNMT) TP.Biên Hòa, chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng TNMT thành phố giải thích, để có thể xử phạt các cơ sở mộc ở Tân Hòa gây ô nhiễm môi trường, cần phải thành lập đoàn kiểm tra. Trong đó, nhất thiết có sự tham gia của cơ quan quan trắc môi trường của tỉnh để xác định mức độ ô nhiễm.

Theo ông Vinh, khó khăn trong việc xử lý ở đây là nếu phạt cao thì chủ các cơ sở không chấp hành, và họ chấp nhận đóng cửa. Mặt khác, mỗi lần thành lập đoàn kiểm tra rất tốn kém. Vì thế thời gian qua, cơ quan chức năng chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở mộc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiên quyết kiểm tra và xử lý các cơ sở mộc ở Tân Hòa gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp tái phạm nhiều lần, chúng tôi kiến nghị UBND TP.Biên Hòa xem xét rút giấy phép kinh doanh” - ông Vinh nhấn mạnh.

Thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở mộc nằm xen lẫn khu dân cư tại phường Tân Hòa đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này thực ra không đơn giản, bởi không thể ngày một ngày hai là có thể “xóa sổ” làng mộc này. Trong khi dự án Cụm công nghiệp gỗ Tân Hòa được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch gần 40 hécta từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Nguyên nhân là do quỹ đất chưa có. Ngoài ra, yêu cầu về phát triển sản xuất, chế biến, gia công đồ mộc ở nơi mới; cũng như nguồn kinh phí đóng góp làm hạ tầng cụm công nghiệp gỗ chưa được sự đồng thuận của nhiều cơ sở làm nghề này. 

Khắc Thiết

 

 

 

Tin xem nhiều