Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi con nuôi phải đăng ký theo luật định

10:03, 03/03/2013

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10496/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đăng ký nuôi con nuôi (NCN) theo quy định của Luật NCN trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Cường
Ông Phạm Văn Cường

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10496/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đăng ký nuôi con nuôi (NCN) theo quy định của Luật NCN trên địa bàn tỉnh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở Tư pháp. Ông Cường cho biết:

Việc triển khai đăng ký NCN nhằm thực hiện các quy định của pháp luật về NCN nhưng chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ cha, mẹ, con; tăng cường các mối quan hệ gia đình, ngăn ngừa những tác động, tranh chấp phát sinh từ việc NCN thực tế. Ngoài ra, việc đăng ký NCN còn để ổn định đời sống người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về NCN theo quy định của Luật NCN, góp phần tăng cường công tác quản lý về hộ tịch trong phạm vi cả nước.

* Ông đánh giá thế nào về thực trạng NCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Nhìn chung, tình hình NCN thời gian qua ở Đồng Nai được thực hiện tương đối tốt. UBND cấp xã quản lý được tình trạng trẻ sau khi giao nhận làm con nuôi. Đồng thời, các quy định hiện hành về NCN thể hiện tinh thần cải cách hành chính, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, tránh được những sai phạm trong vấn đề NCN, như: làm giả giấy tờ, mua bán trẻ em… Hơn nữa, những gia đình nhận NCN đều có khả năng về kinh tế, phần lớn là không có con nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng con nuôi tốt, giúp cho trẻ phát triển về thể chất và tinh thần. Hồ sơ đăng ký NCN luôn đảm bảo trung thực, khách quan, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, từ khi Luật NCN có hiệu lực (1-1-2011), việc đăng ký NCN thực tế theo quy định của luật chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do tâm lý chung của người Việt Nam thường e ngại, không muốn công khai mối quan hệ cha, mẹ nuôi và con nuôi. Mặt khác, do nhận thức đơn giản, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, ý thức của người dân về pháp luật NCN còn hạn chế, chủ yếu chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi các phong tục tập quán của dân tộc, dòng họ. Việc thực hiện thủ tục NCN chủ yếu theo phong tục tập quán hoặc thường là sự thỏa thuận giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi mà không đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chính vì vậy đã làm hạn chế đến công tác bảo vệ quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ cha, mẹ và con, hoặc quan hệ gia đình, có thể phát sinh tranh chấp từ việc NCN thực tế.

Từ năm 1995 đến 2012, trên địa bàn tỉnh có 845 trường hợp nhận nuôi con nuôi, chủ yếu đối với trẻ dưới 15 tuổi. Trong đó có cả trong nước và nước ngoài. Các trường hợp cha mẹ người nước ngoài là công dân các nước và vùng lãnh thổ: Pháp, Hoa Kỳ, Bỉ, Đức, Canada, Singapore, Đài Loan. Trẻ em được nhận làm con nuôi chủ yếu sinh sống trong Trung tâm Bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Nhiều trường hợp cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ họ hàng, thân thích với nhau.

* Thưa ông, để được đăng ký NCN thực tế thì người nhận nuôi con cần có những điều kiện gì?

- Điều 50, Luật NCN quy định việc NCN giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật NCN có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực. Nếu đáp ứng các điều kiện: Các bên có đủ điều kiện về NCN theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ NCN; đến ngày 1-1-2011, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên (cha, mẹ nuôi và con nuôi) đều phải còn sống; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha, mẹ và con. Trường hợp NCN bị bạo hành thì sẽ bị xử lý theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình; bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác hoặc tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại sức khỏe người khác.

* Đăng ký NCN được thực hiện ở đâu, nếu cha, mẹ đẻ của người con nuôi muốn xin lại con mình thì sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?

- Như đã nêu, việc đăng ký NCN theo quy định pháp luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ NCN, cha, mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha, mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, đăng ký NCN là cần thiết. Trình tự, thủ tục đăng ký NCN thực tế được thực hiện tại UBND cấp xã, phường.

Đối với trường hợp cha, mẹ đẻ của người con nuôi muốn xin lại con ruột của mình thì yêu cầu tòa án chấm dứt việc NCN theo quy định của Luật NCN.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều