Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh tay xử lý mũ bảo hiểm dỏm

10:03, 04/03/2013

Các bộ: Công thương, Giao thông - vận tải, Công an, Khoa học - công nghệ vừa ký kết Thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện…

Các bộ: Công thương, Giao thông - vận tải, Công an, Khoa học - công nghệ vừa ký kết Thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện…

Theo đó, từ ngày 15-4-2013, tức sau 1 tháng tổ chức tuyên truyền rộng rãi, các lực lượng chức năng trên toàn quốc sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH không đạt yêu cầu. Chủ trương này đã được dư luận đồng tình vì thời gian tới, MBH kém chất lượng sẽ rất ít cơ hội xuất hiện trên thị trường.

* Tràn lan mũ bảo hiểm thời trang

Như vậy, theo quy định thì giá trị và công năng bảo hộ đầu của người sử dụng MBH sẽ được đảm bảo an toàn hơn. Ở TP.Biên Hòa lâu nay, có khá nhiều chỗ sửa và bày bán MBH trên vỉa hè của một số tuyến đường đều bán MBH thời trang. MBH thời trang thực chất là loại mũ sản xuất bằng một loại nhựa mỏng, rất dễ bể. Loại mũ này thường được giới trẻ cả nam lẫn nữ ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, song hoàn toàn vô tác dụng, khi người sử dụng đội nhưng bị té ngã, đầu đập xuống đường đều bị chấn thương. Thực tế lâu nay, vì nhiều lý do nên MBH dỏm vẫn công khai trôi nổi trên thị trường nhưng không bị ai “huýt còi”. Đây chính là những tồn tại khiến một số nơi sản xuất không ngần ngại tung những lô hàng MBH kém chất lượng ra thị trường mà không hề bị xử lý.

Một điểm bày bán mũ bảo hiểm trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa. Một thanh niên sử dụng mũ bảo hiểm thời trang giá 30 ngàn đồng.
Một điểm bày bán mũ bảo hiểm trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa.

Dạo quanh một số cửa hàng, điểm bán MBH trên một số tuyến đường trong TP. Biên Hòa, như: Cách mạng tháng Tám, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc…, chúng tôi thấy chủng loại MBH khá phong phú, đa dạng về mẫu mã. Tại những nơi này, chúng tôi được chào hàng tất cả các loại MBH từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Hầu hết MBH bán ở lề đường không có nhãn mác, tem chất lượng. Một điểm bán MBH trên đường Phạm Văn Thuận, bày bán khá nhiều MBH các loại, nhất là MBH thời trang. Khi nghe chúng tôi hỏi muốn mua loại rẻ tiền, bà chủ liền đưa ra một MBH giá 35 ngàn đồng. Chiếc MBH này làm bằng nhựa mềm, mỏng manh, nhẹ và đương nhiên không hề có giá trị bảo hộ đầu đối với người sử dụng. Trong khi đó, giá một chiếc mũ có tem đảm bảo chất lượng phải trên 100 ngàn đồng/chiếc; loại thật tốt có khi lên đến vài trăm ngàn đồng/chiếc. Tương tự, tại ngã tư Phạm Văn Thuận -  Võ Thị Sáu, một thanh niên sửa và bán MBH trên vỉa hè đã giới thiệu với chúng tôi những chiếc MBH xinh xắn của trẻ em với giá vài chục ngàn đồng. Tất nhiên đây chỉ là loại dùng để… che nắng là chủ yếu.

* Kiên quyết loại bỏ mũ bảo hiểm kém chất lượng

Thực tế thời gian qua, việc buôn bán cũng như sử dụng MBH không đạt tiêu chuẩn diễn ra khá phổ biến, kể cả ý thức của người tham gia giao thông khi đội MBH để bảo vệ mình cũng bị xem nhẹ. Nhiều trường hợp dùng MBH cho có và nhằm đối phó với cảnh sát giao thông.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng đối với một trong các hành vi người điều khiển, người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ những trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật). Trong khi đó, Thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy cũng nêu rõ: Phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng đối với những người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện đội các loại MBH thời trang, MBH thể thao, MBH không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị xử phạt với mức phạt như đội MBH không đúng quy cách hoặc không đội MBH.

Tại một hội nghị của Ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, sau 5 năm vận động toàn dân đội MBH thì tỷ lệ người sử dụng đạt hơn 90%, trong đó chỉ có 30% là mũ đạt chất lượng, còn lại là mũ kém chất lượng. Theo ông Hiệp, để chấm dứt tình trạng đội MBH không đảm bảo chất lượng khi tham gia giao thông, Ủy ban ATGT quốc gia đang chuẩn bị kế hoạch ra quân kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH không đạt chuẩn. Theo đó, chiến dịch truyền thông sẽ được thực hiện trong 1 tháng, tính từ 15-3 đến 15-4-2013. Sau ngày 15-4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH giả. Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị Cục Quản lý thị trường sớm hướng dẫn cụ thể để các Chi cục QLTT trong cả nước đồng loạt ra quân, xử lý vi phạm để Thông tư liên tịch của 4 bộ đạt hiệu quả.

Một thanh niên sử dụng mũ bảo hiểm thời trang giá 30 ngàn đồng.
Một thanh niên sử dụng mũ bảo hiểm thời trang giá 30 ngàn đồng.

Ở Đồng Nai, tình trạng buôn bán và sử dụng MBH kém chất lượng thời gian qua rất phổ biến và chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Do đó, thông tư quy định về MBH có hiệu lực sẽ là thời điểm để chấm dứt tình trạng người tham gia giao thông đội MBH không đạt chuẩn. Đồng thời, xử lý dứt điểm tình trạng sản xuất, kinh doanh MBH giả hoạt động khá phức tạp lâu nay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân khi điều khiển phương tiện hai bánh lưu thông trên đường. Một khi người tiêu dùng nói không với MBH kém chất lượng; tẩy chay MBH dỏm từ gốc thì mới đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhất là trẻ em.

Ngọc Liên - Minh Đức

 

 

 

 

Tin xem nhiều