Báo Đồng Nai điện tử
En

Giờ trái đất 2013

09:03, 22/03/2013

Tháng 3 hàng năm là thời điểm diễn ra sự kiện quốc tế được các nước trên thế giới hưởng ứng, trong đó có Việt Nam. Đó là “Giờ Trái đất” (GTĐ).

Tháng 3 hàng năm là thời điểm diễn ra sự kiện quốc tế được các nước trên thế giới hưởng ứng, trong đó có Việt Nam. Đó là “Giờ Trái đất” (GTĐ).

GTĐ không chỉ mang lại lợi ích cho trái đất khi đang phải đối mặt và bị đe dọa về biến đổi khí hậu. Năm 2013, GTĐ rơi vào ngày thứ bảy 23-3. Để hưởng ứng ngày này, cùng với các địa phương trên cả nước, Tỉnh đoàn Đồng Nai tổ chức chương trình hành động thiết thực trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh.

* Từ một giờ tối…

Để thực hiện GTĐ hiệu quả, mỗi gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện sinh hoạt không cần thiết trong một giờ đồng hồ, bắt đầu từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối. Đây là sự kiện thu hút sự tham gia của rất nhiều người, nhất là lực lượng ĐVTN nhằm kêu gọi toàn dân cùng thực hiện tiết kiệm điện (TKĐ).

Đốt nến hưởng ứng Giờ Trái đất tại Biên Hòa năm 2012. (Ảnh: Thúy Hằng)
Đốt nến hưởng ứng Giờ Trái đất tại Biên Hòa năm 2012. (Ảnh: Thúy Hằng)

Nói về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với GTĐ, lãnh đạo Điện lực Đồng Nai (ĐLĐN) cho biết, đây là chương trình ngành điện luôn quan tâm bởi mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết rất cao. Đáng kể là GTĐ góp phần giúp ngành điện giảm tải được một lượng điện không nhỏ. Do đó, ĐLĐN vừa hỗ trợ 150 áo thun có logo tuyên truyền về GTĐ cho Tỉnh đoàn. Riêng Tỉnh đoàn đã huy động một lực lượng hùng hậu với khoảng vài ngàn người tham gia. Đáng kể là trong đêm nay 23-3, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức chương trình tuần hành xe đạp, phát động mọi gia đình hưởng ứng sự kiện ý nghĩa này. Theo một đại diện Tỉnh đoàn, đây là một hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đồng Nai cho quyết tâm lớn của toàn cầu; nhất là về ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng. Qua đó, chỉ cần “1 giờ tối” để giúp thế giới có nhiều điều tươi sáng hơn.

*... Đến nhiều ngày sáng

Có thể nói, hàng năm, lực lượng tham gia chương trình GTĐ chủ yếu là ĐVTN. Anh Thi, sinh viên năm 3 Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tham gia chương trình GTĐ. Bởi ý nghĩa của ngày này giúp tôi có thêm kiến thức và ý thức trong việc sử dụng các thiết bị điện an toàn và đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, đây cũng là dịp để tôi rèn luyện sức khỏe cho bản thân”.

Theo thống kê từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, trong 60 phút tắt đèn của chiến dịch GTĐ 2012, công suất của hệ thống điện giảm được 546 MW, điện năng tiết kiệm được là 546 ngàn kWh. Ở Việt Nam, sự kiện GTĐ đã nhận được hưởng ứng của 48 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước.

Chương trình GTĐ bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney (Úc). Ban đầu số người tham gia chỉ có 2 triệu người. Nhờ các phương tiện truyền thông, số người năm 2008 tăng lên 50 triệu và năm 2009 là hơn 1 tỷ người và tăng nhanh chóng hàng năm sau đó. Việt Nam tham gia sự kiện GTĐ từ năm 2009.

Cùng nhận định như Anh Thi, nhiều ĐVTN cho rằng, GTĐ giúp cho cả thế giới tiết kiệm hàng tỷ kWh điện. Bà Trịnh Thị Liễu (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thổ lộ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến GTĐ là gia đình tôi đều tắt gần hết các thiết bị điện không cần thiết. Thực tế, một giờ không đáng là bao nhưng nếu cộng chung cả trái đất thì đây là con số đáng phải quan tâm. Năm nay gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện tắt điện hưởng ứng GTĐ”.

Với thái độ hồ hởi, Thái Phong, sinh viên năm 3 Trường đại học Đồng Nai nói: “Hy vọng chúng ta có thật nhiều ngày GTĐ trong năm để TKĐ. Thời gian vừa qua, khó khăn về tình hình cung cấp điện đã đến hồi báo động, nhất là vào mùa nắng hạn. Chính vì vậy theo tôi, ý nghĩa đích thực của ngày này là muốn nhắc nhở chúng ta phải tích cực hơn nữa trong việc TKĐ. Nếu mỗi người góp phần nhỏ vào việc chung của thế giới như GTĐ thì đạt hiệu quả biết bao”.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm  và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp

- Các cơ sở sản xuất chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa; chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị; khai thác mỏ; sản xuất, cung cấp năng lượng có trách nhiệm: Xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm.

- Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất.

- Loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng.

- Đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất có hiệu suất năng lượng thấp để tiết kiệm điện.

- Cải tiến, hợp lý hóa các quá trình: Đốt nhiên liệu trong lò hơi, lò luyện, lò nung, lò sấy, trao đổi nhiệt trong thiết bị gia nhiệt, làm lạnh, chuyển hóa nhiệt năng thành điện năng, điện năng thành nhiệt năng, cơ năng và các dạng chuyển hóa năng lượng khác.

- Tận dụng nhiệt thừa của lò hơi, lò luyện, lò nung, hơi nước thải nóng cho mục đích sản xuất và đời sống.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tổn hao năng lượng trong hệ thống cung cấp điện và cung cấp nhiệt.

- Lắp đặt bộ biến tần, thiết bị điều chỉnh tốc độ động cơ điện theo nhu cầu công suất cho cầu trục, thiết bị nâng hạ và vận chuyển trong nhà xưởng; bố trí dây chuyền sản xuất hợp lý nhằm tiết kiệm năng lượng.

Trung tâm tư vấn công nghiệp Đồng Nai

 

Ngọc Liên

 

 

Tin xem nhiều