Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý giá sữa. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này chưa phát huy hiệu quả, bởi giá mặt hàng này mới đây liên tục tăng…
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý giá sữa. Tuy nhiên, trên thực tế công tác này chưa phát huy hiệu quả, bởi giá mặt hàng này mới đây liên tục tăng…
Mấy tháng nay giá sữa leo thang với mức tăng từ 5-10%. Không như trước, những đợt tăng giá gần đây nhiều nhà sản xuất không giải trình lý do. Việc này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, bởi sữa là mặt hàng dinh dưỡng thiết yếu, nhất là đối với trẻ em.
* “Lách luật”… để tăng giá!
Mở đầu cho đợt tăng giá lần này là Công ty sữa Vinamilk, bắt đầu tăng 5-7% từ trước Tết Nguyên đán. Sau đó, vào đầu tháng 3 này, hàng loạt nhãn sữa ngoại khác có thị phần lớn ở Việt Nam cũng tăng theo, mức cao nhất là 10%.
Một đại lý sữa trên đường Cách mạng Tháng Tám. |
Trước đây, khi tiến hành tăng giá sữa, các nhà sản xuất phải có văn bản đăng ký và giải trình cụ thể với cơ quan chức năng. Trong đó phải nêu rõ về cơ cấu tính giá với các thông tin chi tiết, như: giá nhập khẩu, tổng chi phí, tỷ lệ tăng... Chỉ những đơn vị có cơ sở giải trình, thuyết minh hợp lý thì mới được chấp thuận. Còn nay, nhiều hãng sản xuất sữa đã “phớt lờ” chuyện này. Nguyên nhân là hiện nay, việc quản lý mặt hàng sữa thực hiện theo Luật Giá, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013. Theo đó, nếu là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung thì không phải đăng ký lại giá mỗi khi điều chỉnh. Do vậy, nhiều hãng sữa đã “lách” quy định bằng cách thay đổi tên gọi của sản phẩm từ “sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi” thành “sản phẩm dinh dưỡng” để tránh được sự kiểm soát của cơ quan chức năng khi tăng giá.
Khảo sát thị trường sữa dành cho trẻ em trên địa bàn TP.Biên Hòa, cho thấy, nhiều nhà sản xuất đang áp dụng cách làm này. Chẳng hạn, nhãn hàng Anfalac A cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi, hay Anfakid A cho trẻ từ 3 tuổi trở lên đều ghi trên bao bì là “sản phẩm dinh dưỡng”. Tương tự, sữa Nuti IQ đề là “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng”; Optimum “sản phẩm dinh dưỡng”; Lactogen Gold 2 “thức ăn công thức dinh dưỡng” dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi; Friso Gold cho trẻ từ 1 - 3 tuổi thì in trên nhãn “thực phẩm bổ sung”. Khi người tiêu dùng thắc mắc về sự thay đổi này thì được các đại lý giải thích, các sản phẩm đó vẫn là sữa dành cho trẻ em, chỉ khác ở… tên gọi.
* Tăng gánh nặng cho người tiêu dùng
Theo các chủ đại lý sữa thì những đợt tăng giá trước đây, thường thì các hãng sữa ngoại đi “tiên phong”, sau đó sữa nội mới “nối gót” theo sau nhưng tỷ lệ giá tăng thường thấp hơn. Mỗi lần sữa tăng giá, nhiều khách hàng chuyển sang dùng sữa nội vì giá thấp hơn. Nhưng lần này, giá sữa tăng đồng loạt với tỷ lệ như nhau nên đã gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn loại sữa phù hợp với túi tiền.
Chị Tuyền, chủ đại lý sữa trên đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn thuộc phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa cho biết: “Từ khi giá sữa tăng, doanh số bán hàng ở của hàng giảm thấy rõ. Nhiều khách hàng quen của đại lý, trước đây sau mỗi kỳ lãnh lương thường mua một lúc 4-5 hộp, nay vì giá sữa tăng nên họ chỉ mua 1-2 hộp. Mỗi hộp sữa ngoại có mức tăng từ 30-60 ngàn đồng/hộp, chẳng hạn như: Dumex Gold trọng lượng 1,5kg từ 595 ngàn đồng tăng lên 655 ngàn đồng/hộp; Enfa Mama A Vannila 900g từ 351 ngàn đồng lên 387 ngàn đồng/hộp; Enfa Mama A Chocolate 900g 351/hộp ngàn đồng lên 387 ngàn đồng/hộp… Ngoài ra, các công ty sữa lớn với nhiều nhãn hàng, như: Abbott, Frieslandcampina, Friso, Cô gái Hà Lan, Fristi, Yomost, Completa… đều tăng giá bán 8%.
Tình trạng tăng giá sữa trong thời gian gần đây đã khiến cho không ít gia đình gặp khó khăn, nhất là những hộ có con nhỏ đang dùng sữa công thức. Chị Nguyễn Thị Mười, nhân viên một công ty dịch vụ vi tính trên đường Võ Thị Sáu, đang nuôi con nhỏ đã làm bài tính: “Trung bình mỗi tháng tôi phải chi đến 2,4 triệu đồng tiền mua sữa cho con, nếu giá tăng thêm 10% thì lại phải phí tổn thêm hơn 240 ngàn đồng nữa. Khoản chi này là không nhỏ đối với tôi, cũng như những gia đình có thu nhập thấp”.
Không ít người tiêu dùng cho rằng, giá bán mặt hàng sữa, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em ở thị trường Việt Nam cao hơn nhiều so với nước ngoài. Chị Phượng, nhà ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa kể: “Tôi vừa đi du lịch ở Áo về, có mua bột dinh dưỡng nhãn hàng Hipp (của Đức) trọng lượng 800g cho con, giá chỉ 3 Euro (chưa đến 100 ngàn đồng). Mới đây, đi siêu thị tôi thấy có bán sản phẩm này nhưng để giá đến 397 ngàn đồng/hộp”. Tương tự, một bạn đọc ở phường Tân Hiệp cho biết, sữa Friso gold số 3 và sữa Ensure bán tại Việt Nam giá cao hơn ở Malaysia hơn 100 ngàn đồng/hộp...
Có thể nói, giá sữa tăng đang là áp lực lớn về chi tiêu đối với những người có con nhỏ buộc phải dùng sữa. Điều mà người tiêu dùng mong muốn là các cơ quan chức năng nên có biện pháp quản lý để kéo giá sữa xuống ở mức hợp lý hơn.
Kim Liễu