Trong thời gian gần đây, nhiều người lao động (NLĐ) đang làm việc tại một số doanh nghiệp (DN) bỗng dưng bị điều chuyển việc làm không phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, khi thắc mắc thì NLĐ không nhận được câu trả lời thỏa đáng…
Trong thời gian gần đây, nhiều người lao động (NLĐ) đang làm việc tại một số doanh nghiệp (DN) bỗng dưng bị điều chuyển việc làm không phù hợp với năng lực. Tuy nhiên, khi thắc mắc thì NLĐ không nhận được câu trả lời thỏa đáng…
Một trong những “chiêu” làm khó NLĐ, thường là bố trí công việc không phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và khả năng chuyên môn. Thế nhưng, NLĐ nếu tỏ thái độ phản kháng, sẽ “được” ngồi chơi xơi nước… dài dài.
* Không chấp nhận thì… nghỉ
Chị Q. nhà ở ấp Thiên Bình, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) đang mang thai 5 tháng cho biết, năm 2010 chị ký hợp đồng làm việc với một công ty chuyên sản xuất ván ép ở một khu công nghiệp (KCN) tại Biên Hòa công việc thỏa thuận là nhân viên kho. Suốt thời gian làm việc, chị không vi phạm gì. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ tết, ngày 4-3-2013 khi trở lại làm việc thì chị thấy đã có người khác thế chỗ của mình. Bất ngờ trước thay đổi này, chị Q. vào gặp quản lý để hỏi thì chị được thông báo là phải qua làm việc tại xưởng B với công việc là ghép hoa. Được ít ngày, chị lại được điều sang xưởng A thuộc bộ phận mùn cưa. “Công việc mới là bỏ củi vào máy xay thành mùn cưa. Việc này vừa nặng nhọc lại phải hứng bụi mịt mù nên tôi không thể đảm đương, vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thai” - chị Q. bức xúc. Giải thích về việc điều chuyển chị Q., quản lý nhân sự tại công ty nói ngắn gọn:“Do tình hình sản xuất đang gặp khó khăn nên công ty mới bố trí lại nhân sự”. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết thì việc sắp xếp này chỉ duy nhất dành cho chị Q.
Anh Lê Văn Tuyền tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đồng Nai. |
Trường hợp của chị K. làm việc tại Công ty T. (ở KCN Biên Hòa 2) còn “căng thẳng” hơn. Chị nhận quyết định sa thải của công ty khi đang mang thai. Thụ lý đơn khởi kiện của chị K., Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa tuyên buộc công ty phải hủy quyết định sa thải, nhận chị K. vào làm việc lại. Thế nhưng, khi quay lại chỗ làm, việc hàng ngày của chị K. là… ngồi chơi tại phòng bảo vệ, có người giám sát và không được tiếp xúc với ai. Quá chán nản vì bị “giam lỏng”, sau 1 tháng chị K. tự động nghỉ việc.
* Người lao động thiệt thòi
Đang làm thợ sơn nhà xưởng tại Công ty S. ở KCN Amata, đột nhiên anh Lê Văn Tuyền nhận được quyết định của công ty điều sang làm nhân viên chấm công. “Nhận quyết định mà tôi thấy chưng hửng. Mình mới học tới lớp 9, chỉ quen làm việc chân tay, giờ bắt phải đảm bảo các tiêu chuẩn, như: sử dụng vi tính thành thạo, chữ viết đẹp, có kinh nghiệm ở vị trí quản lý hành chính thì sao làm nổi” - anh Tuyền chia sẻ.
- Nhận định về tình hình điều chuyển việc làm đối với NLĐ theo kiểu bố trí loanh quanh, bắt ngồi một chỗ, ông Đoàn Văn Đây, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói: “Luật quy định người sử dụng lao động được quyền điều chuyển công việc của NLĐ. Trên thực tế, hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp lạm dụng việc điều chuyển với mục đích là cắt giảm nhân sự. Lý do chung mà hầu hết đơn vị sử dụng lao động điều chuyển NLĐ làm việc khác, thường là do công ty ít việc, tình hình sản xuất gặp khó khăn… Thế nhưng, công việc mới có phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe, năng lực của NLĐ hay không thì nhiều nơi không quan tâm và chưa thực hiện đúng những điều khoản mà luật pháp quy định”. |
Theo anh Tuyền, công ty nhận anh vào từ năm 2009 với hợp đồng không thời hạn, không lý gì lãnh đạo DN lại không biết chuyên môn của anh khi bố trí việc làm không phù hợp với khả năng. Do không chịu nhận việc mới, anh Tuyền bị công ty cho ngồi chơi tại phòng bảo vệ. Khoảng một tuần, khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng thì lãnh đạo công ty thừa nhận: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc xảy ra với anh Tuyền, nên sẽ giải quyết thiệt thòi thỏa đáng”. Sau đó, anh Tuyền được bố trí lại công việc như trước đây. Song đi làm chưa được bao lâu thì công ty ra quyết định cho anh nghỉ việc. Hiện anh Tuyền đang làm đơn khiếu nại về việc này.
Tương tự là trường hợp của anh M., công nhân dệt ở Công ty H. (KCN Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Sau khi bị tai nạn lao động, công ty đã điều anh M. sang làm dán thùng hàng, bốc xếp hàng hóa. Trình bày với lãnh đạo công ty về sức khỏe của mình, anh M. cho biết, do bị thương gãy tay, giám định thương tật 30% nên không thể đảm nhận đựơc việc này. “Nghe ra” vấn đề, lãnh đạo liền chuyển anh xuống phòng bảo vệ ngồi… chơi chờ bố trí việc khác. Mặc dù trong thời gian “tạm nghỉ” vẫn được trả lương, nhưng anh M. rất mệt mỏi vì ngoài chuyện đi ra, đi vào, anh chẳng biết làm gì cho hết giờ. “Cứ ngồi không tại cổng bảo vệ vừa nắng nóng, lại phải chịu sự dòm ngó của hàng trăm công nhân ra vào công ty. Sau khi “được” chơi 1 tháng, tôi đành nghỉ việc cho xong” - anh M. kể.
Có thể nói, điều chuyển việc làm đối với NLĐ theo kiểu bố trí loanh quanh, bắt ngồi một chỗ… là “chiêu” được một số DN đang áp dụng. Nếu như cơ quan chức năng không có biện pháp can thiệp, xử lý thì cách hành xử theo cảm tính này của DN nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, Văn phòng Tư vấn pháp luật công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, việc điều chuyển được quy định tại Bộ luật Lao động: Khi gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm. Khi điều chuyển việc làm, đơn vị sử dụng lao động phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 3 ngày, đồng thời báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính của NLĐ… |
Kim Liễu