Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, song ngư dân làng cá bè Biên Hòa đang chộn rộn hẳn vì giá cá mùa tết tăng khá…
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, song ngư dân làng cá bè Biên Hòa đang chộn rộn hẳn vì giá cá mùa tết tăng khá…
Trong ngày tiễn ông Táo về trời (23 tháng Chạp) năm nay, làng cá bè Biên Hòa đã cung ứng cho thị trường khoảng 10 tấn cá các loại.
* Người nuôi cá bè lãi cao
Hơn một tháng nay, giá các loại cá, như: chép, điêu hồng, bống tượng, cá nuôi cảnh… được các thương lái thu mua ngay tại bè với mức giá tăng ban đầu khoảng 30 ngàn đồng/kg, và gần đây là từ 40-50 ngàn đồng/kg.
Chăm sóc cá cảnh nuôi bè. Ảnh K.Liễu |
Ông Trần Đức Cần, chủ bè cá ở phường Thống Nhất hồ hởi tâm sự: “Cả tuần nay, ngày nào tôi cũng xuất bán hơn 1 tấn cá chép cho thương lái mang đi phân phối tại thị trường Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Với giá bán bình quân như những ngày vừa qua thì trừ chi phí, người nuôi lời hơn 10 triệu đồng/tấn. Đây là lợi nhuận cao nhất từ 3-4 năm trở lại đây”.
Nhận định về mùa cá tết năm nay, ông Nguyễn Văn Hữu - người có thâm niên nuôi cá bè ở phường Tân Mai hơn 30 năm nay cho rằng, nước sông gần đã không còn ô nhiễm như mọi năm nên cá nuôi phát triển nhanh. Hơn nữa, để lấy công làm lời, nhiều chủ bè đi mua phế phẩm từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm; hoặc thức ăn thừa từ nhà hàng, quán ăn để tái chế làm thực phẩm trong chăn nuôi nên chi phí nuôi cá giảm. Nói về sản lượng cá ở làng cá bè đợt này không đáp ứng nhu cầu thị trường, Chi hội trưởng Chi hội cá bè thuộc Hội Nông dân phường Tân Mai Ngô Ngọc Vinh cho biết, sở dĩ có tình trạng thiếu cá bán tết vì trong năm 2012 mức giá chỉ dao động từ 28-30 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn tăng liên tục. “Tính bình quân, mỗi ký cá ngư dân đầu tư 30 ngàn đồng nên giá bán thấp, may lắm cũng chỉ huề vốn. Chính vì vậy, phần đông chủ bè ít dám mạo hiểm mà chủ yếu nuôi cầm cự chờ thời. Đến đầu tháng 1-2013, khi giá cá bắt đầu tăng thì người nuôi tức tốc bán để xoay vốn nên hiện tại không còn cá để bán. Chắc chắn trong những ngày tết giá cá còn tăng cao vì đến nay rất nhiều bè ở Tân Mai, Thống Nhất đã trống. Những ngày qua, không ít chủ bè tiếc hùi hụi vì đã không đầu tư lớn hơn” - ông Vinh nhấn mạnh.
* Thay đổi là cần thiết
Nghề nuôi cá bè trên sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) chảy qua các phường: Thống Nhất, Tân Mai, An Bình và xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Nghề nuôi cá bè trên sông này đã có từ hơn 30 năm nay.
Nhiều hộ làm nghề đánh bắt và nuôi cá trên sông Cái hiểu rất rõ “tính tình” của dòng sông này. Nó không hung dữ như những con sông khác mà lại rất hiền hòa, thủy chung. Chính vì vậy, mấy chục năm qua, sông Cái đã đùm bọc, nuôi sống hàng trăm gia đình ngư dân. Nhưng đã có giai đoạn, nguồn nước dòng sông Cái có nhiều thay đổi và trở nên ô nhiễm bởi con người liên tục “hành hạ” nó thời gian dài. Rất may, 1 năm trở lại đây, người ta đã trả lại sự trong lành vốn có của dòng chảy êm đềm của sông Cái.
Trung bình, mỗi ngày làng cá bè sông Cái cung cấp cho thị trường Biên Hòa và các vùng lân cận khoảng 10 tấn cá đủ loại. Vào các dịp lễ, tết thì sản lượng cá xuất bán tại đây thường tăng lên gấp 3-5 lần. Điều này cho thấy, nghề nuôi cá bè trên sông Cái đã được định hình và tồn tại với những thăng trầm nhất định. Song, để phát triển loại hình này ở TP.Biên Hòa, không thể không quy hoạch một cách hợp lý.
Theo thống kê của phòng kinh tế Biên Hòa, làng cá bè sông Cái hiện có gần 400 hộ nuôi hơn 860 bè cá. Chủ trương của UBND TP.Biên Hòa là xây dựng cảnh quan sinh thái sông Đồng Nai, những đoạn thuộc địa bàn thành phố. Theo đó, dự án quy hoạch làng cá bè trên sông Cái đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020 sẽ được thực hiện trong thời gian tới với 121 trường hợp được nuôi tổng cộng 226 bè. Như vậy, một khi triển khai thực hiện quy hoạch thì sẽ có nhiều bè bị giải tỏa và không ít ngư dân phải từ bỏ nghề sông nước mà họ đã gắn bó từ lâu. Điều này cho thấy, định hình lại làng cá bè sông Cái là điều chắc chắn phải tiến hành. Sự đổi thay làng cá bè là cần thiết đối với một dòng sông trước sự phát triển chung, nhất là về cảnh quan, môi trường.
Kim Liễu