Tết Nguyên đán Quý Tỵ, chị Nguyễn L., ngụ ở TP.Biên Hòa đưa gia đình về ăn tết với cha mẹ tại ấp 3, xã La Ngà (huyện Định Quán). Thực tế, cha của chị L. (65 tuổi) đã sống đời thực vật từ hơn 10 năm nay nên việc con cháu sum họp đông đủ, vui nhưng không trọn vẹn.
Tết Nguyên đán Quý Tỵ, chị Nguyễn L., ngụ ở TP.Biên Hòa đưa gia đình về ăn tết với cha mẹ tại ấp 3, xã La Ngà (huyện Định Quán). Thực tế, cha của chị L. (65 tuổi) đã sống đời thực vật từ hơn 10 năm nay nên việc con cháu sum họp đông đủ, vui nhưng không trọn vẹn.
Năm 2002, ông Nguyễn Chí N. trong lần băng qua đường để về nhà đã bị xe khách đụng phải. Ông được đưa đi cấp cứu, nhưng giây phút kinh hoàng đó đối với ông gần như đã là dấu chấm hết cho một đời người. 6 tháng trời nằm viện, ba người con ông N. thường xuyên túc trực chăm lo cho cha. Nhưng người lúc nào cũng ở bên cạnh đỡ đần ông chính là vợ - bà Nguyễn Thị O. Do bị ô tô tông trực diện nên cơ thể ông N. không còn hoạt động, sống đời thực vật từ đó. Thông thường, việc chăm sóc cho người bệnh đã vất vả, song lo từng miếng ăn đối với người không còn ý thức, càng cơ cực hơn. Thế nhưng, bà O. đã chứng tỏ tinh thần trách nhiệm của người phụ nữ đối với người chồng bệnh tật một cách hoàn thiện. Suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, bà O. không để các con làm những việc giúp ông N., như: đi vệ sinh, thay đồ… mà bà tự tay lo toan. Bà bảo, mấy đứa nhỏ dù có thương cha nhưng lại không biết cách làm cho người bệnh đỡ đau đớn. Do vậy, ngay cả việc lật qua lại cơ thể chồng vốn cân nặng gần gấp đôi mình, nhưng bà O. vẫn nhẹ nhàng từng chút một. Khi bệnh viện cho đưa ông N. về nhà, cũng là lúc bà O. phải một mình gánh vác việc gia đình và lo cho chồng, bởi các con bà đã lập gia đình ở riêng. Nói về cảnh vợ già chăm sóc chồng, chị L. thổ lộ: “Người ta hay nói đến hình ảnh của người vợ biết chăm sóc chồng chu đáo, so với hoàn cảnh gia đình tôi chẳng khác mấy. Tôi cũng như chị em trong nhà không thể lo toan cho cha bằng mẹ tôi được, đây là một thực tế. Thấy cảnh cha nằm bất động mà bên cạnh chỉ có mẹ già, chúng tôi xót xa lắm. Nhưng khi gợi ý để các con chia nhau về chăm sóc cha, mẹ tôi gạt phắt đi rồi cười nói, chúng mày biết gì mà chăm với sóc. Tôi nghĩ, dường như tình nghĩa vợ chồng mạnh mẽ lắm. Hơn 10 năm qua, mẹ tôi chưa một lần than vãn hay cáu gắt mà chỉ âm thầm giúp cha trong mọi lúc. Có lần tôi khóc vì thương cha, thương mẹ, nhưng bà bảo vợ chồng phải gắn bó nhau suốt đời, bởi đó không chỉ là nghĩa cử mà còn là nghĩa vụ của người phụ nữ Việt Nam”.
Là người ở gần nhà ông N. nên tôi thường xuyên chứng kiến hình ảnh bà O. chăm chút cho chồng từng muỗng cơm, cháo; hay ngồi quạt mát cho ông. Tôi thầm cảm phục sự hy sinh cao quý của những cặp vợ chồng già gần cuối đời vẫn gắn bó, chung thủy với nhau. Nghĩ đến câu tục ngữ “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, tôi thấy tâm đắc quá. Nghĩa của từ “nuôi” (hoặc chăm sóc) ở đây nó rộng lớn, bao dung lắm. Chính vì vậy, con cái không thể hiểu hết được hạnh phúc của vợ chồng già, dù ngay cả khi một trong hai người đã không còn tỉnh táo.
Duy Đỗ