Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân này con không về...

10:01, 02/01/2013

Sau đợt nghỉ Tết Dương lịch 2013, công nhân (CN) đang làm việc tại các khu công nghiệp lại chộn rộn chuyện về quê ăn tết. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp phải nén lòng, không nghĩ tới điều đó…

Sau đợt nghỉ Tết Dương lịch 2013, công nhân (CN) đang làm việc tại các khu công nghiệp lại chộn rộn chuyện về quê ăn tết. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp phải nén lòng, không nghĩ tới điều đó…

Tháng cuối cùng của năm 2012, không chỉ riêng chị Lê Thị Là mà toàn bộ CN làm chung trong một công ty ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 đều sốt ruột vì phải tạm ngưng việc hơn 15 ngày. Ai cũng mong sang năm mới sớm có hàng để làm, dù có tăng ca liên tục cũng chấp nhận.

* Vật lộn với chi tiêu

Tiền lương mỗi tháng của những CN da giày như chị Là khoảng 2,7 triệu đồng. Cộng tiền cơm và các khoản trợ cấp khác, kể cả tiền tăng ca hàng tháng chị cũng chỉ được gần 4 triệu đồng. Trừ chi phí nhà trọ, ăn uống cùng mọi chi tiêu khác, hàng tháng trung bình mỗi người để dành được 1,5 triệu đồng. Những đồng tiền khó nhọc này, chị Là cũng như nhiều CN khác gửi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học. Thế nhưng, mọi cố gắng của những người con làm lụng xa quê, tiện tặn lắm gia đình lo vừa đủ, còn lại phần lớn trông vào đất ruộng lúc được mùa, khi thất bát.

Công nhân giải trí bằng xem tivi công cộng sau giờ làm việc.
Công nhân giải trí bằng xem tivi công cộng sau giờ làm việc.

Hiện giờ, nhiều công nhân tại KCN Tam Phước, TP.Biên Hòa, đang phải vật lộn với đồng lương chưa đầy 2 triệu đồng của mình. Bữa ăn vốn chẳng cao sang gì sẽ còn phải cắt xén hơn nữa. Không ít người còn dự tính, chuyển tới nơi ở trọ nào rẻ hơn, hoặc ghép người ở thêm để giảm chi phí. Thế nhưng, bấy nhiêu đó cũng không thấm tháp gì so với giá điện, nước, giá phòng trọ chỉ toàn tăng. “Mình đã tiết kiệm hết mức rồi, nhiều bữa mua gói xôi ăn sáng cũng phải đắn đo mãi. Nhưng nếu không ăn thì không đủ sức làm việc, còn mỗi sáng tốn thêm mấy ngàn song cứ  sợ tháng này không để dành được. Mỗi khi nghĩ đến tết, chỉ muốn khóc vì không có tiền về quê” - chị Trần Thị Ngọc, 25 tuổi, công nhân KCN Biên Hòa 1 nói.

* Thêm một mùa xuân lỗi hẹn!

Năm nay, công ty của chị Ngọc không thưởng Tết Dương lịch, mọi người đều đoán trước được điều này nên không ai ngạc nhiên. Chị Ngọc thổ lộ, những năm trước làm tăng ca liên tục, nhưng năm 2012 chỉ làm vài tháng hoặc vài tuần công ty lại thông báo hết hàng. Đương nhiên hàng ít thì công nhân “được” nghỉ xả hơi, hàng tháng lãnh vài trăm ngàn đồng tiền hỗ trợ của công ty. “Đã vậy, bây giờ nhiều nơi ra quy định, chỉ cần nghỉ một ngày có phép hay không cũng bị công ty trừ hết tiền chuyên cần. 200 ngàn so với nhiều người không lớn, nhưng với tụi em là tiền cơm của cả chục ngày chứ ít ỏi gì” - chị Trần Thị Lan, công nhân dệt may, KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom tâm sự.

Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN, Công ty Mai Linh, Ngân hàng Techcombank và hàng loạt doanh nghiệp, công ty đã công bố không thưởng Tết năm 2013 vì lý do kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nơi áp dụng chính sách chỉ thưởng tết cho những nhân viên làm việc từ 1 năm trở lên, còn người chưa đủ thời gian sẽ nhận được một khoản tiền để khích lệ tinh thần.

Ở khu nhà trọ của chị Lan có hàng chục phòng trọ thì 2/3 trong số ấy đều nói rằng tết này không về quê. Nhiều người cho biết đang làm hồ sơ xin vào công ty khác, người thì đi làm thêm bên ngoài, có người còn đang nằm nhà chờ việc. Ai cũng lo lắng về chuyện tiền nong và công việc, riêng chuyện về quê, người nào cũng cố dằn lòng không nói tới. Một công nhân quê ở miền Trung, trọ chung dãy với chị Lan nói: “Tết năm ngoái em có hứa với gia đình, rằng cố dành tiền để năm nay về quê. Nhưng kiểu này chắc chỉ đón tết qua điện thoại với gia đình cho đỡ nhớ, bởi tiền đâu để đi và về, trong khi quà cáp cũng chẳng có. Mỗi lần thấy ai đó rục rịch sắm đồ chuẩn bị về quê mà mủi lòng, vì thêm một lần nữa em lỗi hẹn với cha mẹ”...

Minh Đăng

 

 

 

Tin xem nhiều