Sau hơn một tuần Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực, tình trạng sản xuất rượu “chui” trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn khá phổ biến.
Sau hơn một tuần Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực, tình trạng sản xuất rượu “chui” trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn còn khá phổ biến.
Phần lớn các hộ dân sản xuất rượu đều không mấy quan tâm đến Nghị định 94. Do đó, những ngày qua, rượu vẫn được nấu và bán một cách công khai.
* Làm sao xóa bỏ các lò rượu “chui”?
Nhiều người cho rằng Nghị định 94 giống như một đòn đánh mạnh vào nghề sản xuất rượu truyền thống tồn tại bao năm nay. Nghị định này quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công khi bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn... Ngoài ra, khi vận chuyển rượu đến nơi tiêu thụ, người nấu phải xuất trình được hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu.
Những ngày qua, ông Trần Hoàn vẫn nấu rượu và bán cho khách tại nhà. |
Như vậy, theo Nghị định 94, hầu hết các lò rượu trên địa bàn TP.Biên Hòa, chắc chắn sẽ không tồn tại. Bởi lâu nay, không ai nghĩ phải đi xin giấy phép kinh doanh loại thức uống phổ biến này. Thông thường, thói quen kinh doanh rượu “cuốc lủi” là chỉ bỏ mối cho vài tiệm tạp hóa, người quen, không hề nghĩ tới chuyện làm ăn lớn với doanh nghiệp nào đó. Chính vì vậy, tình trạng sản xuất rượu “cuốc lủi” đã trở thành một nghề tại một số gia đình. Do đó, khi Nghị định 94 được ban hành, không ít người thắc mắc và cho rằng, mỗi ngày nấu được chục lít rượu thì không đáng làm thủ tục để tiếp tục hành nghề. Vì thế, làm thế nào để số hộ nấu rượu nhận thức được vấn đề và chấp hành chủ trương của Nhà nước là điều cần thiết.
* Để Nghị định đi vào cuộc sống
Mỗi ngày nhà bà Hồng, ngụ KP5, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa nấu được 15 lít rượu nếp. Thời gian qua, bà Hồng chưa bao giờ nghe ai nói tới chuyện cấm sản xuất rượu nên không đăng ký kinh doanh nghề này. Khi nghe hỏi về giấy phép nấu rượu, bà Hồng nhắc đi nhắc lại: “Nhà tôi nấu rượu đã hơn chục năm nhưng chưa lần nào ai hỏi giấy tờ gì; cũng chẳng thấy địa phương nhắc nhở hoặc buộc phải làm thủ tục kinh doanh”.
Chuyên nghiệp hơn bà Hồng, bà Lê Thị Thu ở KP2, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa lâu nay nấu rượu cung cấp cho các quán nhậu trong thành phố. Trung bình mỗi ngày lò rượu của bà Thu đưa ra thị trường hàng trăm lít rượu. Được hỏi có biết gì về Nghị định 94 không, bà Thu tỏ vẻ ngạc nhiên và nói: “Nếu có quy định cụ thể về việc nấu rượu trong dân thì cũng tốt. Như thế, những cơ sở nấu rượu như nhà tôi gần như đã có “thương hiệu”, có cơ hội làm ăn bài bản hơn. Tuy nhiên, chúng tôi mong sớm được hướng dẫn rạch ròi về thủ tục xin nấu rượu. Đồng thời, trong quá trình chờ được cấp phép, các lò rượu làm ăn đàng hoàng được tiếp tục sản xuất”.
Theo Bộ Y tế, trong năm 2012, cả nước có 164 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người bị ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó có 33 người chết. Điều này cho thấy, việc thiếu kiểm tra quy trình sản xuất rượu thời gian qua đã để lại những hệ lụy khó lường. Chính vì vậy nên Nghị định 94 ra đời sẽ giải quyết thực trạng rượu kém chất lượng, hoặc rượu có pha chất độc hại được buôn bán tràn lan trên thị trường. |
Tại KP7, phường Tân Hiệp, khá nhiều người biết lò rượu của ông Trần Hoàn. Nhà ông Hoàn đã có hơn 15 năm nấu rượu thủ công. Cũng giống như mọi trường hợp khác, dụng cụ sản xuất rượu của gia đình ông Hoàn đơn sơ, kể cả những can đựng rượu bảo quản sơ sài. Mỗi lần khách đến mua, ông tận dụng các chai nước khoáng, nước ngọt vất lăn lóc để đong rượu vào. Ông Hoàn cho hay: “Qua thông tin báo chí, tôi biết Nghị định 94 đã có hiệu lực. Nhưng chưa thấy ai hỏi đến nên nhiều anh em, bà con tôi vẫn nấu rượu bình thường. Hiện tại tôi muốn đăng ký nhưng chưa biết phải làm những thủ tục gì. Điều làm tôi ngại nhất là công sức chờ đợi, đi tới đi lui mất thời gian lắm”.
Nói về việc triển khai Nghị định 94/CP, ông Lê Hồng Thông, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: “Để nghị định đi vào cuộc sống, cần có thời gian để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn các gia đình nấu rượu thực hiện nghị định một cách nghiêm túc. Những ngày qua, chúng tôi tiến hành kiểm tra các lò rượu, phần lớn đều không đạt yêu cầu, cả về dụng cụ nấu rượu và vệ sinh môi trường. Song, chúng tôi chưa xử lý trường hợp nào, mà tập trung hướng dẫn mọi người về thủ tục để được cấp giấy phép kinh doanh, sản xuất rượu”.
Minh Đăng