Báo Đồng Nai điện tử
En

Pháo đồ chơi ở đâu ra?

10:01, 13/01/2013

Gần đây, nhiều phụ huynh có con em là học sinh tiểu học thỉnh thoảng lại giật mình vì những tiếng nổ ở trong nhà. Đi tìm thủ phạm thì mọi người mới biết, đó là tiếng pháo con mình đã mua từ những người bán đồ chơi ngoài cổng trường.

Pháo đồ chơi gần đây xuất hiện khá nhiều ở TP.Biên Hòa.
Pháo đồ chơi gần đây xuất hiện khá nhiều ở TP.Biên Hòa.

Gần đây, nhiều phụ huynh có con em là học sinh tiểu học thỉnh thoảng lại giật mình vì những tiếng nổ ở trong nhà. Đi tìm thủ phạm thì mọi người mới biết, đó là tiếng pháo con mình đã mua từ những người bán đồ chơi ngoài cổng trường.

Nhìn bề ngoài, đó chỉ là những hũ nhựa đồ chơi bình thường, nhưng khi giật dây gắn phía trên thì hũ này phát ra tiếng nổ khá lớn.

* Vô tư chơi pháo

Những ngày qua, chị Đặng Thị Hoa, ngụ ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bức xúc khi biết tiền quà cho con đi học đều bị đứa bé mua pháo chơi. Có hôm đang nấu cơm dưới nhà, nghe tiếng nổ lớn, chị Hoa hốt hoảng chạy lên thì thấy con trai học lớp 3 đang cười toe toét. Hỏi ra mới biết, tiếng nổ đó chính là quả pháo nhỏ được bỏ trong hũ nhựa mà lúc chiều đi học về con chị cầm theo. “Ngày nào tôi cũng cho con vài ngàn đồng mua nước uống. Mấy ngày gần đây, thấy cháu đều mang cái hũ nhựa về nhưng tôi không biết đó là pháo nổ. Pháo đã bị cấm từ lâu, nhưng không hiểu tại sao trước cổng trường vẫn có người bán thứ này?” - chị Hoa bộc bạch.

Ngày 9-11-2012, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1878 yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường tăng cường phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, quần chúng ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép…

Dạo quanh một số trường tiểu học ở TP.Biên Hòa, chúng tôi dễ dàng mua được loại đồ chơi này với giá 2-3 ngàn đồng/trái pháo. Hỏi thêm có loại hàng “độc” hơn không, một chủ hàng bán đồ chơi ở phường Tân Phong giới thiệu ngay loại pháo có hình dạng giống như hộp diêm. Chúng tôi tỏ ý lo ngại về loại pháo giật dây thì những người bán vô tư giải thích: “Hàng này không đốt bằng lửa nên chẳng nguy hiểm. Đó chỉ là đồ chơi phát ra tiếng nổ nên cứ yên tâm”.

* Khó kiểm soát

Thực tế, những loại đồ chơi nguy hiểm thuộc dạng bị cấm được bày bán công khai tại các điểm nhỏ lẻ. Do đó, rất khó cho ngành chức năng trong kiểm tra, tịch thu những mặt hàng này. Thực tế, chủ các cửa hàng đều biết, đồ chơi bạo lực bị cấm kinh doanh. Chính vì vậy họ “ém” hàng rất kỹ. Một nhân viên quản lý thị trường cho biết, khi đi kiểm tra những cửa hàng bán đồ chơi, thường không phát hiện được hàng cấm, song nếu người mua là trẻ em hỏi là có ngay.

Những quả pháo “núp bóng” đồ chơi.
Những quả pháo “núp bóng” đồ chơi.

Nhận định về tình hình pháo xuất hiện trên thị trường trong dịp cuối năm, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai Dương Minh Dũng khẳng định, chưa phát hiện loại pháo nào. Theo ông Dũng, thời điểm cuối năm thì thị trường diễn biến phức tạp, nhất là hàng giả, hàng kém chất lượng và cả đồ chơi nguy hiểm. Vì vậy, những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường khảo sát, kiểm tra tại các cửa hàng bán đồ chơi. “Nếu phát hiện cơ sở kinh doanh nào vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành tịch thu và xử lý theo quy định. Chúng tôi rất mong sự cộng tác từ phía người dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về những điểm buôn bán mặt hàng cấm” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ngọc Liên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích