Cách đây không lâu, trên Báo Đồng Nai đăng bài Mua nhà để… ngó, phản ảnh trường hợp của bà Phạm Thị Hồng Yến ở KP3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa, sau khi trúng đấu giá đã gần 5 năm nay nhưng vẫn chưa nhận được nhà. Thực tế, đây không phải là trường hợp cá biệt…
Cách đây không lâu, trên Báo Đồng Nai đăng bài Mua nhà để… ngó, phản ảnh trường hợp của bà Phạm Thị Hồng Yến ở KP3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa, sau khi trúng đấu giá đã gần 5 năm nay nhưng vẫn chưa nhận được nhà. Thực tế, đây không phải là trường hợp cá biệt…
Từ năm 2008 đến nay, bà Phạm Thị Hồng Yến đã nhiều lần đến gõ cửa các cơ quan chức năng để được nhận căn nhà cấp 4 và mảnh vườn rộng hơn 479m2 tại địa chỉ: số 190, đường 4, KP5, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom). Tuy nhiên đến nay, vụ việc này chưa ngã ngũ, căn nhà lẽ ra thuộc sở hữu của bà Yến hiện vẫn do người khác sử dụng, mặc dù bà đã được đứng tên chủ quyền.
* Trúng đấu giá như không
Tương tự như trường hợp bà Yến, ông Lê Cư, ngụ ở phường An Bình, TP.Biên Hòa cũng khổ sở không kém do những rắc rối liên tục phát sinh mà nguyên nhân chủ yếu từ sự tắc trách của cơ quan chức năng.
Căn nhà ông Lê Cư mua qua đấu giá nhưng không được nhận. |
Tháng 4-2012, ông Lê Cư trúng phiên đấu giá tài sản gồm nhà và đất rộng 143m2 tại địa chỉ: số 82, tổ 17C, KP2, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa với số tiền hơn 425 triệu đồng. Một tuần sau đó, ông Cư nộp tiền đầy đủ cho Công ty cổ phần đấu giá và dịch vụ tài sản Đồng Nai, đồng thời đã ký hợp đồng mua bán cam kết: Sau 30 ngày, ông Cư được nhận tài sản, trường hợp phải cưỡng chế giao nhà thì chậm nhất là 90 ngày. Song, khi đã hết thời hạn này, ông Cư liên hệ Chi cục Thi hành án (THA) dân sự Biên Hòa thì được chấp hành viên phụ trách vụ việc cho biết, cơ quan THA đã ra quyết định hủy toàn bộ quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản nêu trên. Cũng theo cơ quan này, toàn bộ số tiền ông Cư nộp mua nhà sẽ được hoàn trả lại. Không đồng ý với cách làm này, ông Cư gửi đơn khiếu nại nhiều nơi. “Để có tiền mua nhà, tôi đã đi vay mượn với lãi suất cao. Trong khi đó, THA Biên Hòa không có văn bản trả lời cho tôi biết lý do tại sao chậm trễ việc giao tài sản cho người trúng đấu giá, chỉ đến khi tôi đến hỏi thì mới biết. Vướng mắc này làm ảnh hưởng đến việc làm ăn, đồng thời gây thiệt hại cho gia đình chúng tôi” - ông Cư bức xúc nói.
* Giải quyết ra sao?
Nguyên nhân dẫn đến tồn đọng hai vụ việc nêu trên cơ bản là do phát sinh những rắc rối trong việc thực hiện các quy trình về THA. Do vậy, mặc dù các thủ tục mua bán được tiến hành hợp pháp, nhưng những người mua nhà hợp pháp buộc phải chờ đợi theo năm tháng. Trong khi cơ quan THA lại hết sức… đủng đỉnh.
Đối với trường hợp của ông Lê Cư, tài sản nhà và đất bán đấu giá do ông Nhàn và bà Chi đứng tên làm chủ. Thế nhưng, hai người này không tự nguyện THA nên căn nhà bị THA Biên Hòa kê biên xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Nhàn đã chết sau khi bản án có hiệu lực và để lại 6 người con. Theo quy định của Luật THA dân sự thì THA Biên Hòa phải có văn bản thông báo cho những người thừa kế, người quản lý di sản về việc thỏa thuận thực hiện THA phần nghĩa vụ của ông Nhàn. Thế nhưng, chấp hành viên lại “quên” thủ tục này, dẫn đến việc buộc phải hủy các quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đã ban hành. Trong khi đó, tài sản trên đã được bán cho ông Lê Cư qua phiên đấu giá. Điều này ông Cư khiếu nại là có cơ sở.
Trao đổi về trường hợp của ông Lê Cư, Trưởng chi cục THA dân sự Biên Hòa Nguyễn Ngọc Cưỡng cho biết: “THA Biên Hòa sẽ hoàn lại số tiền mua nhà cho ông Lê Cư và khoản tiền lãi theo quy định của ngân hàng. Chúng tôi đã gửi thông báo thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ THA đối với vợ và các con của ông Nhàn, tiến tới sẽ thực hiện các thủ tục theo luật định”.
Kim Pha