Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa ngày và đêm: Nhiều lần lỗi hẹn với tiểu thương

10:01, 28/01/2013

Hơn một tháng nay, các tiểu thương buôn bán trong Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa  ngày và đêm (gọi tắt là IBP Biên Hòa), nằm trên địa bàn phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa, gần cổng A42) chỉ đến cửa hàng ngồi… chơi từ sáng đến 23 giờ mới về. Nguyên nhân của tình trạng lãng phí thời gian này vì không có khách hàng nào ghé khu thương mại (KTM) để mua sắm.

Hơn một tháng nay, các tiểu thương buôn bán trong Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa  ngày và đêm (gọi tắt là IBP Biên Hòa), nằm trên địa bàn phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa, gần cổng A42) chỉ đến cửa hàng ngồi… chơi từ sáng đến 23 giờ mới về. Nguyên nhân của tình trạng lãng phí thời gian này vì không có khách hàng nào ghé khu thương mại (KTM) để mua sắm.

Theo các tiểu thương, việc buôn bán ế ẩm là do IBP Biên Hòa từ khi khai trương đến nay chưa một lần quảng bá trên các kênh truyền thông cũng như treo pa-nô, áp phích hay tờ rơi quảng cáo để người dân biết. Đã nhiều lần, tiểu thương kiến nghị vấn đề này đến lãnh đạo IBP Biên Hòa, nhưng lần nào cũng nghe hứa rồi để đó.

* Ba lần khai trương trong không khí buồn tẻ

Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa thuộc KTM và xúc tiến đầu tư quốc tế IBP Biên Hòa, do Công ty cổ phần thương mại ViNa quản lý và chịu trách nhiệm điều hành kinh doanh. Hoạt động của IBP Biên Hòa nằm trong dự án KTM, được hình thành từ năm 2008 trên diện tích 81 hécta, trong đó có khu mua sắm khoảng 3 hécta với tên gọi ban đầu là “Khu phố đi bộ, mua sắm ngày và đêm” nay đổi là “Khu vui chơi và trưng bày sản phẩm IBP Biên Hòa ngày và đêm”. Quá trình triển khai dự án, IBP Biên Hòa đã quy hoạch 284 ki-ốt tập trung buôn bán với đa dạng các mặt hàng, nhiều nhất là quần áo thời trang.

Đại diện Công ty ViNa (người mặc áo sọc đứng bên trái) gặp gỡ các tiểu thương sáng 28-1.
Đại diện Công ty ViNa (người mặc áo sọc đứng bên trái) gặp gỡ các tiểu thương sáng 28-1.

Ngày 8-12-2012, mặc dù công trình xây dựng chưa hoàn thiện nhưng IBP Biên Hòa vẫn tiến hành khai trương KTM với sự tham dự của… toàn thể các tiểu thương có ki-ốt ở đây, ngoài ra chỉ vài người dân thấy lạ đến ngó qua cho biết. Tiếp đến, ngày 22-12, IBP Biên Hòa tổ chức khánh thành lần thứ hai trong không khí… “nội bộ”, khiến nhiều tiểu thương khi ấy đã yêu cầu Công ty cổ phần thương mại ViNa phải có kế hoạch quảng cáo rộng rãi hoạt động mua sắm của IBP Biên Hòa. Thế nhưng, mọi việc chẳng có gì thay đổi. Mới đây nhất, ngày 26-1-2013, thêm một lần nữa IBP Biên Hòa khai trương lần 3 nhưng không có khách nào đến tham quan. Sự việc như giọt nước tràn ly, sáng 28-1, toàn thể tiểu thương đã đồng loạt phản đối cách làm của công ty quản lý cũng như những bộ phận liên quan.

* Chi phí ban đầu ngất ngưởng

Nói về tình hình hình tiểu thương tại KTM hàng ngày chỉ biết ngồi ngó nhau, chị Thu Thủy, một chủ ki-ốt bán quần áo, giày dép cho biết: “Hơn 1 tháng qua, ngày nào chúng tôi cũng “ngồi đồng” nhưng chẳng hề khách nào đến mua hàng. Buổi tối thì lác đác vài người đưa con đến khu vui chơi trẻ em rồi về, chẳng ai thèm đến khu buôn bán tham quan. Dù ế nhưng không ai dám nghỉ bán, vì theo quy định của Ban quản lý, nếu đóng cửa 1 ngày bị phạt 100 ngàn đồng, quá 10 ngày sẽ hủy hợp đồng”.  Theo chị Thủy, vì đã ký hợp đồng và đóng tiền nên các tiểu thương không còn cách nào khác đành phải làm công việc quen thuộc: sáng mở cửa, tối đóng cửa.

Những ngày qua, các tiểu thương đã nhiều lần yêu cầu được gặp Ban giám đốc Công ty ViNa, song họ chỉ được hẹn lần lữa. Sáng 28-1, trước áp lực của hàng trăm tiểu thương phản đối cách làm của công ty thì doanh nghiệp mới ủy quyền cho một người trong Ban quản lý dự án đến tiếp thu ý kiến các hộ đầu tư kinh doanh tại đây. Cũng trong ngày này, đại diện công ty là ông Trần Mạnh Hoàn khẳng định, trong vòng 48 giờ tới sẽ trả lời cho tiểu thương biết về kế hoạch quảng bá rộng rãi những hoạt động của IBP Biên Hòa, đồng thời sẽ giải trình rõ những khoản thu trong hợp đồng mà tiểu thương đã đóng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, các tiểu thương cho biết, để có được ki-ốt trong IBP Biên Hòa, người trả thấp nhất là 14 triệu đồng, cao nhất 42 triệu đồng. Sau khi đóng tiền, tiểu thương được buôn bán trong vòng 1 năm. Chị T. T. H., chủ nhân của 2 ki-ốt D19 và 17 bán quần áo cho biết, phải đóng 72 triệu đồng mới được kinh doanh ở đây. “Cả tháng nay tôi không bán được món đồ nào, trong khi cứ sáng nào cũng đến ngồi chơi đến khuya mới về. Thêm vào đó, mỗi tháng tôi còn phải đóng hơn 6 triệu đồng, gồm tiền thuê ki-ốt, chi phí điện và những dịch vụ hàng tháng khác. Qua hơn 1 tháng đầu tư làm ăn nhưng thất bại, tiểu thương chúng tôi muốn Công ty Vina phải xem xét lại những khoản thu xem đã hợp lý chưa. Vì thực tế chứng minh, do quá nóng lòng muốn có chỗ buôn bán nên nhiều người không ngần ngại nộp tiền trước, bây giờ muốn lấy vốn lại không biết phải làm sao” - chị H. bức xúc. Một số người thắc mắc về những khoản chi phí quá cao mà tiểu thương đã đóng, đại diện Công ty cổ phần thương mại ViNa giải thích, đây là tiền xây dựng ki-ốt.

Ngọc Liên

 

 

 

Tin xem nhiều