Những ngày gần đây, thông tin về trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do vi khuẩn Hib đã khiến nhiều gia đình có con nhỏ hoang mang, lo lắng.
Những ngày gần đây, thông tin về trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do vi khuẩn Hib đã khiến nhiều gia đình có con nhỏ hoang mang, lo lắng.
Trẻ em được tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. |
Đồng Nai hiện có gần 54 ngàn trẻ được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Trước những thông tin về tình hình TCMR thời gian qua, nhiều gia đình tỏ ra lo ngại, số gia đình có khả năng về tài chính đã chọn phương pháp tiêm chủng dịch vụ để bảo đảm an toàn cho con mình.
* Lo lắng vì an toàn của trẻ
Trong chương trình TCMR, vaccine “5 trong 1” Quinvaxem có xuất xứ từ Hàn Quốc, trẻ em được tiêm miễn phí. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh rất ngán ngại đối với việc đưa con đi TCMR. Chị Trần Ngọc Thảo, ở KP5, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, báo chí những ngày gần đây phản ảnh về triệu chứng trẻ em bị phản ứng sau khi tiêm nên gia đình rất hoang mang. Con chị Thảo mới hơn 1 tháng tuổi, do đó bé còn một quá trình tiêm chủng khá dài. Sau khi bàn tính cùng gia đình và tham khảo thông tin về các loại vaccine, chị Thảo quyết định đưa con đi tiêm ngừa vaccine “6 trong 1” theo loại hình dịch vụ với giá trên 600 ngàn đồng. Tương tự, chị Vinh ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cũng quyết định gác mọi công việc để đưa con lên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm ngừa dịch vụ. Chị Vinh bộc bạch: “Thà tốn tiền, mất thời gian một chút nhưng gia đình tôi cảm thấy yên tâm hơn đối với sức khỏe của con”.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đưa con đi tiêm ngừa dịch vụ. Trong đó, số lượng công nhân, nông dân vẫn chiếm phần lớn, vì thế nhiều người vẫn chọn chương trình TCMR trong sự băn khoăn, lo lắng về độ an toàn cho con trẻ.
* Tiêm ngừa vaccine là cần thiết
Theo quy định, trước khi tiêm ngừa, trẻ em phải được khám sàng lọc. Thế nhưng lâu nay, quy định này thực hiện chưa bảo đảm, nhất là trong những đợt TCMR tại các xã, phường. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định, lịch tiêm chủng được thực hiện từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng, thế nhưng đa số phụ huynh đều tập trung đưa trẻ đến khám vào ngày 5 nên quy trình khám sàng lọc đôi khi chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh nôn nóng cho con mình về sớm, nên sau khi tiêm không ở lại theo dõi thêm 30 phút.
Một số lưu ý khi TCMR: Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau đó. Sau tiêm chủng, cơ thể trẻ có thể xuất hiện một số biểu hiện thông thường, như: sốt, đau hoặc sưng tấy ngay tại chỗ tiêm. Do đó, nhiều trẻ quấy khóc. Khi trẻ sốt cao, các bà mẹ có thể cho con dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu thấy các phản ứng ở trẻ kéo dài trên 1 ngày, hoặc quấy khóc liên tục, đồng thời bị co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... thì phải đưa ngay tới cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. |
Chương trình TCMR ở Đồng Nai chính thức đưa vào thực hiện từ năm 1989 tại 100% xã, phường, thị trấn. Qua hơn 20 năm thực hiện, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong đã giảm từ 35/1.000 xuống còn 16/1.000. Cụ thể, bệnh bạch hầu, uốn ván sơ sinh, bại liệt, ho gà, lao những năm gần đây không còn ghi nhận hoặc rất hiếm gặp. Điều đó chứng tỏ việc tiêm ngừa vaccin là rất cần thiết.
Theo bác sĩ Ngưỡng, đến nay Đồng Nai chưa ghi nhận ca phản ứng nào sau tiêm ngừa. Qua kiểm tra, những lô thuốc nhập về tỉnh không trùng với lô thuốc của một số tỉnh miền Trung và miền Bắc, nơi có trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm. Hơn nữa, công tác bảo quản, vận chuyển thuốc được bảo đảm. “Phụ huynh khi đưa trẻ đi TCMR cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có điều gì thắc mắc, phải hỏi ý kiến bác sĩ, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc sau khi tiêm khi chưa có ý kiến của thầy thuốc” - bác sĩ Ngưỡng nhấn mạnh.
Ngọc Liên