Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cấp quốc lộ 20: Năm 2014 mới hoàn thành

10:12, 17/12/2012

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 20 được khởi công ngày 23-12 tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Riêng đoạn thuộc Đồng Nai gần đây mới bắt đầu thi công. Trong khi đó, việc thu phí sử dụng đường bộ bắt đầu thực hiện từ 1-1-2013…

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 20 được khởi công ngày 23-12 tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Riêng đoạn thuộc Đồng Nai gần đây mới bắt đầu thi công. Trong khi đó, việc thu phí sử dụng đường bộ bắt đầu thực hiện từ 1-1-2013…

Quốc lộ (QL) 20 qua khai thác, sử dụng trên 30 năm nay đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, dự án nâng cấp QL 20 là công trình đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn phát triển ngành công nghiệp nhôm, vận chuyển bauxite từ tổ hợp Nhân Cơ (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) theo tuyến QL 20.

* Thi công còn kéo dài

Dự án BT (xây dựng - chuyển giao) QL 20 do Ban Quản lý dự án 7 (Tổng cục đường bộ, Bộ GTVT) là đơn vị quản lý; liên doanh Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý giao thông Cửu Long, Công ty TNHH Đông Mê Kông và Công ty cổ phần xây lắp dầu khí 1 (Tổng công ty vật liệu xây dựng số 1, Bộ Xây dựng) là nhà đầu tư. Đoạn qua địa phận Đồng Nai từ ngã tư Dầu Giây đến giáp ranh tỉnh Lâm Đồng dài 75,6 km, nhưng đang triển khai thi công từ xã La Ngà tới thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).

Quốc lộ 20, đoạn thuộc thị trấn Định Quán đang thi công.
Quốc lộ 20, đoạn thuộc thị trấn Định Quán đang thi công.

Tại những điểm đang xây dựng, công trường khá bề bộn với những  rào chắn đảm bảo an toàn giao thông; các loại máy móc, thiết bị đào bới, lu lèn ầm ầm hoạt động. Đương nhiên, các phương tiện qua lại không thể ào ào phóng như lúc bình thường mà buộc phải đi chậm lại khi những chỗ đang thi công trở nên chật hẹp. Một số hộ dân ở mặt tiền QL 20 có cửa hàng kinh doanh thổ lộ: “QL 20 lâu nay xuống cấp nghiêm trọng. Đường xấu, phương tiện đi lại khó, buôn bán không thuận tiện. Khi tiến hành nâng cấp đường thì bụi mù, tình trạng đào bới để lắp đặt hệ thống thoát nước kéo dài nên chẳng làm ăn gì được. Chúng tôi mong rằng nhà đầu tư thi công khẩn trương hơn để việc đi lại dễ dàng”.

Nói về thời gian thi công trên QL 20, Chỉ huy trưởng công trình gói thầu thuộc đoạn từ km 36+00 (xã La Ngà) đến km 60 (thị trấn Định Quán) Nguyễn Doãn Viết (Công ty cổ phần giao thông Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp mới nhận mặt bằng từ tháng 10-2012. Theo thiết kế, đường mở rộng bình quân 11m, mặt đường nâng cao thêm chỗ thấp nhất 35cm, nhiều nhất 73cm. Hệ thống cống dọc hai bên đường dài tổng cộng 8km; cống ngang gồm 5 vị trí. Hiện tại, giá trị sản lượng công việc mới đạt 30 tỷ đồng/264 tỷ đồng toàn gói thầu. Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, đoạn từ km 36 - km 50+450 sẽ hoàn thành phần trải cấp phối đá dăm. Tuy nhiên hiện nay, một số mặt bằng còn vướng, nhất là đoạn thuộc thị trấn Định Quán. Do đó, nếu chính quyền địa phương không đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thì thời gian thi công khó đảm bảo tiến độ.

Theo ông Doãn, toàn tuyến QL 20 sẽ hoàn tất vào tháng 6-2014. Như vậy, phải mất 1 năm rưỡi nữa thì toàn bộ tuyến đường mới được thông thoáng. Điều mà dư luận đang thắc mắc, là không hiểu trong quá trình thi công QL 20 thì chủ trương vận chuyển bauxite trong thời gian tới được thực hiện ra sao, liệu giao thông có đảm bảo an toàn?

* Áp lực phí sử dụng đường bộ

Theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15-11-2012, hướng dẫn về phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, mức phí thấp nhất đối với xe mô tô là 50 ngàn đồng/năm và cao nhất với ô tô là 12,48 triệu đồng/năm, áp dụng từ 1-1-2013.

Căn cứ vào quy định này thì mọi phương tiện đều phải đóng phí. Song, bất hợp lý ở chỗ, QL 20 nhiều chỗ xuống cấp nặng nề, và hiện nay nhiều đoạn đang trong thời gian thi công. Nói cách khác, đường chưa tốt mà đóng phí là điều dư luận khó chấp nhận. Gia đình anh Lê Hoàng Huệ, ngụ ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có đội xe tải hàng chục chiếc chuyên chở rau xanh từ Đà Lạt đi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây cho biết, nếu đóng phí kiểu “cao ngất” này thì người tiêu dùng sẽ phải “gánh” hết. Bởi chủ xe, chủ hàng phải cộng tất cả chi phí vào giá thành, do đó hàng hóa đội giá là đương nhiên. Đó là chưa kể mai này, khi áp dụng mua phí qua trạm tăng 3,5 lần (từ 1-1-2013 chỉ áp dụng trên QL1 và QL 14) thì mỗi chuyến xe từ Đà Lạt đi các nơi sẽ tốn hàng triệu đồng tiền vé. Theo anh Huệ, không phải đợi đến sang năm Trạm thu phí Định Quán mới tăng giá vé, mà từ đầu năm 2012, trạm này đã điều chỉnh tăng 50%/vé, đơn cử xe ô tô tăng từ 10 ngàn đồng lên 15 ngàn đồng/lượt. Việc thu phí ở trạm này thời gian qua gây bất bình không chỉ cho thành phần có xe ô tô, mà ngay lãnh đạo UBND huyện Tân Phú đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng có ý kiến để di dời trạm đi nơi khác cho phù hợp, nhưng không có kết quả.

Nói về việc mua vé qua trạm thu phí tăng 3,5 lần so với hiện tại, Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Lê Quang Bình cho rằng, mặt bằng thu phí trên cả nước lâu nay khá thấp, không phù hợp với mức đầu tư các tuyến giao thông. Do đó, việc tăng phí lần này, đồng thời bãi bỏ tất cả các trạm thu phí nộp ngân sách là có cơ sở. Chỉ có điều, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế cả nước đang gặp khó khăn, thì thời điểm áp dụng mức tăng đó quả là có tạo áp lực đối với chủ các phương tiện giao thông…

Nhận định về việc phải đóng phí sử dụng đường bộ đối với đầu phương tiện trong thời gian tới, anh Lâm Văn Trị, ngụ ở xã La Ngà, huyện Định Quán bức xúc nói: “Theo quy định thì xe mô tô có dung tích xi lanh đến 100 cm3 sẽ nộp phí từ 50 ngàn -100 ngàn đồng/năm; trên 100 cm3 nộp từ 100 ngàn - 150 ngàn đồng/năm. Chính vì vậy, các loại xe bị thu giữ, tạm giữ có thời gian, xe không lưu hành do sửa chữa…, nói chung là xe không lăn bánh nhưng vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ là không khả thi, hết sức vô lý. Hơn nữa, QL 20 đang nâng cấp, có nghĩa là chưa bảo trì thì thu phí liệu có thỏa đáng?”.

 Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều