Hàng năm, đến mùa khô, hàng trăm hộ dân tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) lại nơm nớp lo lắng về nguồn nước sinh hoạt…
Hàng năm, đến mùa khô, hàng trăm hộ dân tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) lại nơm nớp lo lắng về nguồn nước sinh hoạt…
Nguồn nước ngầm ở xã Phú Ngọc hiếm, nếu khu vực nào có thì lại nhiễm phèn, không thể sử dụng ngay được. Người dân đã cải thiện chất lượng nước bằng cách xây dựng các bể lọc, nhưng hầu như không hiệu quả.
Để có nước sử dụng, gia đình bà Trần Thị Kim Loan, ngụ ấp 3, xã Phú Ngọc phải dùng bể lọc nước. |
Loay hoay tìm nguồn nước
Ông Trương Dành, ngụ tại ấp 3 dẫn chúng tôi ra chỗ giếng khoan được ông thuê người làm cách đây nửa năm. Giếng sâu 60m, chi phí khoan tốn gần 15 triệu đồng nhưng không có nước, giờ ông đành phải lấy đá lấp lại. Trước đó vài tháng, ông Dành đã khoan một giếng sâu 50m ở một điểm khác, cũng mất ngần ấy tiền thuê người, máy móc, mua nước mồi, song không gặp một mạch nước nào. Bây giờ cứ mỗi tuần, ông Dành phải canh xe bồn chở nước để mua với giá 40 ngàn đồng/m3.
Trong ấp 3, trường hợp khoan giếng như ông Dành khá phổ biến. Có trường hợp khoan đến điểm thứ 4 giếng vẫn khô. Trước tình cảnh thiếu nước nên giai đoạn chuẩn bị kết thúc mùa mưa, những lu, chum hứng nước trời dần cạn kiệt thì hộ nào cũng phải sửa sang lại đường ống nhựa để tiện việc đưa nước từ các xe bồn vào nhà. Thực tế, đã có hộ may mắn khoan giếng vào đúng mạch nước ngầm. Tuy vậy, họ phải xây một bể lọc thì mới có thể dùng được. Bởi nước ngầm ở đây khi bơm lên, để qua một đêm là nổi váng dầu và dưới đáy bể chứa là một lớp màu vàng đục, có mùi tanh hôi. Bà Trần Thị Kim Loan, một người dân ấp 3 chia sẻ: “Mỗi lần bơm nước lên, phải đợi bể lọc cả tiếng đồng hồ mới dùng được. Nhưng dù qua xử lý, nước vẫn nặng mùi”. Bà Loan cho biết thêm, cứ vài tuần thì phải rửa bể lọc một lần vì nước quá nhiều phèn, sau một thời gian dường như bể không còn tác dụng nữa.
Những hộ như bà Loan được coi là “may mắn” khi có nước giếng dùng. Tuy nhiên, thời gian có nước chẳng kéo dài được bao lâu, vì vào cao điểm mùa nắng nóng thì mọi giếng đều cạn kiệt, gia đình nào cũng phải mua nước, trung bình mỗi tháng tốn từ 300-500 ngàn đồng.
Ai cũng khổ!
Một người dân ở ấp 4 tâm sự, những nơi khác nông dân có thể tăng gia sản xuất bằng rau màu, nuôi heo, nhưng người dân trong xã này mỗi khi nhắc đến trồng trọt là ai cũng âu sầu, cơ bản chỉ vì thiếu nước. Không thể canh tác, cũng đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Chính vì vậy, vấn đề phát triển kinh tế của địa bàn xã Phú Ngọc lâu nay cứ bấp bênh, đời sống người dân tại những khu vực thiếu nước đều khó khăn.
Trong lần tiếp xúc đại biểu Quốc hội gần đây, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn có được một đường ống cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng. Trước đây, cơ quan chức năng đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống dẫn nước sạch cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì tiến triển.
Nói về nỗi khổ của người dân khi thiếu nước, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc Nguyễn Văn Sang nhấn mạnh: “Đa phần người dân trong xã sử dụng nước mua với giá cao. Rất hiếm hộ có nước sạch dùng hàng ngày nên có thể nói, cứ tới mùa khô là cả xã bị “khát”. Xã từng đề xuất một dự án đưa nước từ sông Đồng Nai tới đồi 07 để xử lý, sau đó bán lại cho người dân. Nhưng đến nay, nguồn vốn để khởi động dự án này không có nên chưa thể triển khai. Hiện nay, xã đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án để nhanh chóng có nước sạch phục vụ dân, song điều mà nhà đầu tư lo lắng, ái ngại là vào mùa mưa thì nhà máy chắc phải đóng cửa vì dân cư ở đây đã quen cách hứng nước mưa truyền thống để xài. Khi đó, sẽ dẫn đến thất thu là điều khó tránh khỏi”. Theo ông Sang, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước, thì xã sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân sử dụng nước máy quanh năm.
Minh Đăng