Cho người khác mượn đất làm lối đi, kết cục bị chiếm mất. Câu chuyện tưởng như đùa này lại là thật, khi khổ chủ của mảnh đất bị chính kẻ từng chịu ơn mình kiện ra tòa…
Cho người khác mượn đất làm lối đi, kết cục bị chiếm mất. Câu chuyện tưởng như đùa này lại là thật, khi khổ chủ của mảnh đất bị chính kẻ từng chịu ơn mình kiện ra tòa…
Nạn nhân của vụ kiện trái đạo đức này là bà Cao Thị Ten, ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) - chủ nhân của thửa đất số 38, tờ 56. Đã 6 năm qua, không biết bao nhiêu lần bà Ten phải mang nỗi oan ức đi khắp nơi cầu cứu; hàng chục lần phải hầu tòa nhưng đến giờ oan khuất vẫn chưa được giải quyết.
* Đổi trắng thay đen
Năm 2003, ông Dương Văn Tài, ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, mua một mảnh đất liền kề nhà bà Ten. Đường vào đất của ông Tài vốn nhỏ hẹp, phải đi đường vòng nên ông chủ đất này bèn sang xin đi nhờ trên đất của gia đình bà Ten. Không nỡ để hàng xóm đi lại bất tiện, bà Ten đồng ý. Sau đó để tỏ lòng “thiện ý”, năm 2004, ông Tài còn góp tiền mua một chiếc cổng sắt lắp vào đường đi mà bà Ten cho mượn. Thế nhưng sau đó, ông Tài âm thầm rào lại lối đi nhỏ trước kia, với mưu đồ cho mọi người thấy, từ ngoài vào chỉ có một đường duy nhất dẫn vào đất của gia đình mình.
Bà Cao Thị Ten đứng trước cánh cổng đường đi đã gây biết bao sóng gió cho chủ đất. |
Câu chuyện “đổi trắng thay đen” bất ngờ được thể hiện, khi năm 2006 ông Tài tự ý trồng tre trên đường đi nhờ. Lúc này, bà Ten gọi điện hỏi thì ông Tài nói: “Đất tôi thì tôi trồng, mắc mớ gì mà chị thắc mắc”. Bức xúc trước thái độ của ông Tài, bà Ten tiến hành rào lại đường này. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện xong thì chính quyền xã tới lập biên bản. Sau đó, ngày 26-12-2006, ông Tài đâm đơn kiện bà Ten là người chiếm đất, qua đó đề nghị người đã làm ơn cho gia đình mình phải trả lại lối đi có diện tích hơn 90m2 và bồi thường 52,5 triệu đồng tiền thiệt hại tài sản!
Đề cập về vụ án tranh chấp dân sự giữa ông Dương Văn Tài và bà Cao Thị Ten, Chánh án TAND huyện Định Quán Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, đây là trường hợp mới trong tố tụng mà TAND huyện Định Quán gặp lần đầu. Đơn phản tố của bà Ten trước kia nằm trong hồ sơ của vụ án cũ, vốn đã khép lại. Do bà Ten không nộp đơn kháng cáo nên khi quá hạn, tòa quyết định đình chỉ vụ án. Theo bà Thủy, vụ việc này được tiếp tục xem xét hay không thì phải nghiên cứu lại hồ sơ, đồng thời nghe thẩm phán thụ lý vụ án trình bày quan điểm. Do đó, tòa án chưa thể trả lời cụ thể được. |
Điều trớ trêu là trước sự đòi hỏi ngược ngạo này, tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 26-9-2007, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Định Quán đã chấp nhận đơn kiện của ông Tài và buộc gia đình bà Ten phải có trách nhiệm mở lối đi thuận tiện cho bên nguyên đơn! Bên cạnh đó, tòa cũng buộc ông Tài “phải có trách nhiệm” thanh toán tiền đền bù cho bà Ten với giá hơn 1 triệu đồng (!?). Lúc này, ông Tài còn “hào phóng” tuyên bố trả thêm cho bà Ten tròn 2 triệu đồng. Tiếp đến, bản án phúc thẩm của TADN tỉnh Đồng Nai ngày 31-7-2008 cũng tuyên bố giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm. Có điều, tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử buộc ông Tài phải bồi thường cho bà Ten 3,5 triệu đồng.
* Nỗi oan bao giờ được trả?
Quá oan ức vì đất của gia đình bỗng dưng biến thành của người khác, bà Ten làm đơn khiếu nại gửi Thanh tra Chính phủ. Trong bản kết luận ngày 23-12-2008 của Thanh tra Chính phủ gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ghi rõ: “Bản án của TAND tỉnh Đồng Nai là không khách quan, không nhận định đúng bản chất sự việc”. Việc tuyên xử này là “trái với đạo lý và luật pháp”, do đó đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo thẩm quyền quy định của pháp luật có kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai cho tạm hoãn thi hành án, trong khi chờ cơ quan chức năng xem xét, giải quyết”.
Văn bản của Thanh tra Chính phủ gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. |
Ngày 21-9-2011, TAND tối cao, Hội đồng giám đốc thẩm đưa vụ án của bà Ten, ông Tài ra xét xử. Sau đó kết luận: Hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp tòa đã tuyên; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Định Quán xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Tiếp đến, ngày 28-9-2012, ông Tài tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung đơn khởi kiện trước đó. Cùng ngày, TAND huyện Định Quán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án này. Điều đáng nói là mới đây, ông Tài đã bán thửa đất cho người khác với số tiền hàng tỷ đồng, tất nhiên có kèm theo con đường đã chiếm đoạt từ đất của bà Ten. Vấn đề làm bà Ten bức xúc là tại sao TAND huyện Định Quán lại quyết định đình chỉ vụ án, trong khi đơn phản tố của bà vẫn còn giá trị. Trước đó, lúc cầm đơn lên tòa án hỏi thì bà Ten nhận được câu trả lời: Đã hết thời hạn kháng cáo.
Trước sự lật lọng trắng trợn của người đã chịu ơn mình, bà Ten nghẹn ngào nói: “Chồng tôi cũng vì vụ án này mà uất ức quá sinh bệnh rồi mất. Bao nhiêu năm qua tôi cất công đi kiện để đòi lại công lý, nhưng cuối cùng chỉ nhận được thông báo là vụ án đã đình chỉ. Không biết đến bao giờ gia đình tôi mới đòi lại được công bằng”.
Minh Đăng