Báo Đồng Nai điện tử
En

Căng thẳng vùng giáp ranh (Bài 1)

09:12, 05/12/2012

Lâu nay, voi xuất hiện tại các khu vực có người dân sinh sống thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán hoặc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, mức độ tàn phá và đe dọa tính mạng người dân từ voi rừng đang ngày càng căng thẳng hơn...

 

Lâu nay, voi xuất hiện tại các khu vực có người dân sinh sống thuộc xã Thanh Sơn, huyện Định Quán hoặc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, mức độ tàn phá và đe dọa tính mạng người dân từ voi rừng đang ngày càng căng thẳng hơn...[links(right)]

Theo thống kê của Lâm trường 3 thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm trường La Ngà (Vinafor La Ngà, có trụ sở tại huyện Định Quán), tính từ tháng 5-2012 đến nay, đã có 86 hộ dân của xã Thanh Sơn bị voi quấy phá. Đó là chưa kể tài sản của nhiều gia đình bị voi phá 3-4 lần. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để xua đuổi đàn voi hàng chục con này vào rừng, nhưng xem ra không hiệu quả.

* “Giành” đất sống

Trước đây, cho rằng voi bỏ rừng ra khu dân cư tìm muối, gạo để ăn nên nhân viên Vườn Quốc gia Cát Tiên đã bỏ muối, gạo dọc bìa rừng cho chúng dễ thích nghi. Từ đó, một thời gian khá dài voi không còn “la cà” trên rẫy, vườn của người dân nữa. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây, voi không còn thiết tha với những bao gạo hay đống muối nữa, chúng tiếp tục vào rẫy tìm kiếm thức ăn ưa thích. Từ đầu năm 2012 đến nay, điểm voi thường tập kết là rẫy bắp, mía, vườn chuối tươi tốt.

Một rẫy bắp ở xã Thanh Sơn bị voi phá hoại tan hoang.
Một rẫy bắp ở xã Thanh Sơn bị voi phá hoại tan hoang.

Ở xã Thanh Sơn trong thời gian qua, những rẫy hoa màu được trồng trên đất rừng mới khai phá. Đất màu mỡ nên nhiều người lén lút hủy hoại rừng để làm nương rẫy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rừng bị thu hẹp, nơi voi sinh sống bị chiếm dụng. Hiện tại, một số đất của khu 4, 5, 6, 7 thuộc Lâm trường 3 trước đây là những khu vực sinh tồn của voi, nay không còn là rừng, thay vào đó là những vườn cây xum xuê. Ngày trước, rừng nơi này khá đa dạng với nhiều loại cây gỗ lớn, xen kẽ dây leo, tạo thành rừng có cấu trúc tầng, rất thích hợp cho các loài động vật phát triển, trong đó có voi. Thế nhưng đến nay, khu vực này chỉ còn lưa thưa vài cây dầu, bằng lăng nằm cách nhau vài chục mét, còn lại đi đâu cũng là dấu vết của con người với những vườn quýt, rẫy bắp và đường đi chọc thẳng vào bìa rừng. Có thể nói, từ lúc con người giành đất sống của voi, buộc lòng chúng phải chuyển vô rừng sâu. Song, đôi khi voi tìm ra ngoài, từ đó xung đột giữa người và voi trở nên thường xuyên hơn. Sự xung đột này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển bầy đàn của voi. 

Nhận định về việc voi ra khu dân cư phá phách, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn chia sẻ: “Những khu vực voi thường xuất hiện, trước đây là nơi cư ngụ của chúng. Trước sức ép dân số và nhu cầu mưu sinh, con người dần xâm phạm vào nơi voi ở. Vùng đất vốn được “cấp sổ đỏ” cho loài voi đã bị con người tới chiếm giữ. Theo ông Sơn, thực chất con người đang “ở nhờ” trên mảnh đất của voi. Chính vì vậy, khi chủ nhân của những khoảnh đất này bị đuổi khỏi nơi đồng loại chúng vốn đã “trị vì”, thì sự đáp trả theo cách của đàn voi là điều đương nhiên.

* Dân hoang mang, chính quyền lo lắng

Vài tháng qua, hàng đêm người dân tại các khu vực có voi xuất hiện luôn phải nín thở và nơm nớp… đợi voi. Những cây đuốc được tẩm sẵn dầu hỏa, rồi nồi niêu, xoong chảo, đèn pin luôn để ở vị trí dễ tìm. Mỗi lần nghe tiếng tre đổ bụp bụp trong rừng, tiếng xào xào như gió thốc là mọi người bật dậy chuẩn bị “nghênh chiến” với “ông bồ” ở cách dân không xa. Hình ảnh những con voi khổng lồ lừng lững quật ngã chòi lá, xô đẩy mọi thứ trên đường chúng đi, đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân.

Voi đến, mọi người đốt lửa, tạo tiếng động để xua đuổi chúng đi. Nhưng đâu phải lúc nào voi cũng biết “nghe lời” như vậy. Có những khi,  chúng đối đầu trực diện với người mà không hề sợ hãi. Ngay cả những cán bộ kiểm lâm từng phải bó tay với những trường hợp đàn voi trở nên ngoan cố, khi đuổi đầu này chúng chạy xuống đầu kia, một lát sau lại quay về chỗ cũ. Có trường hợp khi bị đuổi theo sát, voi trở đầu dí người chạy tán loạn. Nhắc lại chuyện voi xuất hiện ở vườn, rẫy, một cán bộ kiểm lâm tâm sự, lúc đầu voi về thì mọi người đều túc trực và hăng hái xua đuổi chúng. Nhưng rất nhiều lần, chúng ở lại 2-3 đêm. Gần đây, chúng xuất hiện liên tục và trở nên lì lợm nên mọi phương thức gõ kẻng, đốt lửa trở nên vô hiệu.

Cách đây 2 tháng, số cán bộ kiểm lâm trực trong Trạm 91, thuộc Lâm trường 3 một phen kinh hãi khi nửa đêm hàng chục con voi vây quanh giật tung các cánh cửa nhà. Chúng sục sạo mọi chỗ, tìm được thứ gì chúng cũng nhai sạch hoặc dẫm nát. Cũng may hôm ấy, anh em trốn kịp, trong khi nền nhà trơn nên voi không leo lên được. “Không được dùng vật nhọn, gậy, đá để đuổi voi. Nếu có thể thì hãy về nhà, đừng ở lại rẫy vào ban đêm”. Đó là lời khuyến cáo của các cán bộ kiểm lâm. Còn người dân thì rút kinh nghiệm, không trồng những cây hay bị voi phá, như: bắp, xoài, chuối...

Minh Đăng

 

 

Tin xem nhiều