Tài sản của người dân bị tàn phá, tính mạng hàng ngày bị đe dọa bởi đàn voi là điều người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đang phải đối mặt. Nhưng ngược lại, chính loài voi cũng đang tự đưa mình vào chốn nguy hiểm khi con người dễ dàng tiếp cận với chúng…
Tài sản của người dân bị tàn phá, tính mạng hàng ngày bị đe dọa bởi đàn voi là điều người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đang phải đối mặt. Nhưng ngược lại, chính loài voi cũng đang tự đưa mình vào chốn nguy hiểm khi con người dễ dàng tiếp cận với chúng…[links(left)]
Cánh đây không lâu, con voi già duy nhất ở rừng phòng hộ Tân Phú bị giết tại tiểu khu 88, thuộc ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán. Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ nhiều năm nay, cá thể voi này sống một mình trong khu vực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú rộng 14 ngàn hécta và thường ra khu dân cư ăn mía và các loại cây trái của người dân. Đây có phải là mối xung đột khiến voi bị sát hại?
* Khẩu vị voi thay đổi
Người dân xã Thanh Sơn khẳng định, voi bây giờ chủ yếu phá phách, còn ăn thì ít. Thường voi chỉ lựa những bộ phận ngon nhất trên cây trồng để thưởng thức chứ không ăn hết, ăn no rồi về lại rừng như những năm trước.
Căn nhà từng bị voi đến “thăm” ba lần trở nên tan hoang. |
Dẫn chúng tôi đến rẫy bắp rộng 1hécta, tại khu 7, xã Thanh Sơn vừa bị voi phá tan hoang, chủ nhân khu đất này cho biết, một đàn voi khoảng 11 con thường xuyên đến rẫy này. Những ngày trước, chúng chỉ bẻ vài trái bắp để thăm dò. Có lẽ thấy bắp chưa đủ ngon nên đàn voi này bỏ đi. 10 ngày sau, đàn voi này quay trở lại và hái ăn sạch sẽ toàn rẫy. Lạ ở chỗ, chúng biết nhận diện được thức ăn, và cả thời điểm bắp vừa khô râu nên có vị ngon ngọt để thưởng thức. Những người trồng bí đỏ cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong 2 tháng đầu trồng loại cây này bà con không hề thấy voi đến, nhưng khi trái bí vừa lớn chừng 1 kg, là đàn voi đến ăn và dẫm nát. Nếu trong đàn có voi con thì coi như chủ rẫy đó mất trắng một vụ mùa. Nhiều hộ dân sợ voi phá nên chuyển sang trồng đậu đen, song nhiều lần đàn voi đi ngang qua, cũng làm cả mấy sào cây trồng tan nát.
Với những vườn chuối xiêm thì voi quật ngã thân và chỉ lựa phần ruột ít ỏi bên trong ngon và ngọt nhất để ăn, còn tất cả đều bỏ lại. Nhiều lúc chuối trổ buồng thì chúng chỉ ăn vài trái rồi bỏ đến bụi khác phá tiếp. Thống kê mới đây cho thấy, nhiều hộ nông dân bị thiệt hại, ít cũng vài sào, còn nhiều có khi lên đến 3 - 4hécta. Riêng số lần voi đến “thăm” dân thì đếm không xuể.
* Giải pháp nào hợp lý?
Nhiều người nhận định, một khi khẩu vị voi đã thay đổi là điều rất khó khăn cho nông dân. Bởi trồng cây gì để voi không ăn, không phá? Chắc chắn, người trồng mía, xoài, bắp… sẽ khó thay đổi cách canh tác, nếu không được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Do đó, về lâu dài khi cảnh “sống chung” với voi cứ tiếp diễn thì cuộc sống của người dân Thanh Sơn sẽ gặp bế tắc. Đề cập vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho rằng, sẽ khó đuổi đàn voi ra khỏi nương rẫy, vì chúng dường như đã quá quen với môi trường ở đây, thậm chí coi rẫy, vườn của dân như là nhà mình. Trong khi đó, điều đáng lo ngại là người dân không hề có ý rời bỏ đất nông nghiệp, nên nếu kéo dài tình trạng này thì tần số voi đối đầu với người sẽ xảy ra nhiều hơn nữa.
Nói về giải pháp “dung hòa” với voi, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên, cho biết: “Ngoài đội phản ứng nhanh về voi thì các địa phương trong vùng voi hay ra cũng chỉ biết đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân đừng gây xung đột với loài thú này. Về biện pháp lâu dài trong việc bảo vệ dân, cũng như bảo tồn voi, đến nay huyện chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào của cơ quan chuyên môn. Sợ nhất là trong tương lai, nếu chuyện voi phá phách tài sản của dân trở nên thường xuyên hơn, thì cư dân sẽ nổi giận, khó có thể kiềm chế được manh động. Lúc này nhiều khả năng voi cũng như người bị nguy hiểm, thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Lãnh đạo huyện cũng đã đề xuất tỉnh về kế hoạch bảo tồn đàn voi, như: quy hoạch nơi ở, ăn uống và sinh sống cho chúng”.
Được biết, đã 6 năm qua, từ khi “Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo vệ đàn voi” do Thủ tướng Chính phủ ký đến nay vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn thực hiện. Ở Đồng Nai, phải ít nhất 2 năm nữa thì dự án hàng rào điện tử bảo vệ đàn voi mới được tiến hành, đưa vào sử dụng. Liệu đàn voi có “chờ” được không, khi mà nơi ở của chúng cũng như người đang là vùng “tranh chấp”?
Năm 1975, Việt Nam có khoảng 2 ngàn con voi thì đến đầu năm nay, cả nước chỉ còn dưới 50 cá thể, bằng 1/40 so với trước kia. Trước nguy cơ đàn voi ở Việt Nam giảm, ngày 19 - 7 - 2012, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 940/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi Việt Nam. Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam; đồng thời bảo tồn bền vững sinh cảnh nơi có quần thể voi đang sinh sống. Qua đó, ngăn chặn sự suy giảm số lượng voi, đảm bảo ít nhất 3 khu vực có voi sinh sống được bảo tồn, phát triển trong thế kỷ 21; tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn sinh cảnh sống lâu dài của voi ở các tỉnh: Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An. Trước đó, trong Quyết định 733 ngày 16-5-2006 của Chính phủ về việc khẩn trương đến năm 2010 để bảo tồn voi Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ và UBND các tỉnh triển khai thực hiện nội dung kế hoạch hành động. Kinh phí thực hiện bảo tồn đàn voi lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước và tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quyết định này vẫn còn nằm trên giấy. Theo ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hồ sơ dự án bảo tồn đàn voi ở Đồng Nai đã được chuyển cho Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cách đây 3 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. |
Minh Đăng