Rộng 32,4 ngàn hécta, hồ Trị An có 72 đảo lớn nhỏ, trong đó có 53 đảo nổi trên cao trình 62m. Hồ Trị An có tiềm năng rất lớn, ngoài mục đích phục vụ phát điện, cung cấp nước, còn được khai thác thủy sản, phát triển du lịch…
Rộng 32,4 ngàn hécta, hồ Trị An có 72 đảo lớn nhỏ, trong đó có 53 đảo nổi trên cao trình 62m. Hồ Trị An có tiềm năng rất lớn, ngoài mục đích phục vụ phát điện, cung cấp nước, còn được khai thác thủy sản, phát triển du lịch…
[links(right)]Một ngày giữa tháng 12, chiếc ca nô đưa chúng tôi đi khảo sát hồ Trị An. Gần trưa, dưới ánh nắng rực rỡ, mặt hồ trở nên lung linh, in đậm bóng mây trời. Trong làn nước mênh mông, thỉnh thoảng có một vài chiếc thuyền câu cá; xa xa là những khu rừng, ốc đảo, làng chài mờ mờ, tạo nên bức tranh thủy mặc khá ấn tượng. Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Hữu Phước, ban ngày cuộc sống trên hồ khá êm đềm, nhưng từ xế chiều trở đi thì nhộn nhịp hẳn bởi hàng trăm ghe, thuyền neo đậu đánh bắt cá.
* Chưa tận dụng khai thác đảo
Trong số 72 đảo trên hồ Trị An, có khá nhiều tên tuổi được đặt cho địa danh đảo, như: Ó Mã Lai, Đồng Trường, Đồi Xanh, Củ Chi, Tây Ninh, Du Lịch, Cao Minh (ca sĩ)…, nhưng đảo Đồng Trường lớn nhất với diện tích 22 hécta, còn lại có đảo chỉ có diện tích 5 sào. Hiện tại, có trên 500 nhân khẩu của hơn 100 hộ đang sống ở 32 đảo. Phần lớn người dân tại các đảo đều làm nghề đánh bắt cá và trồng trọt. Ông Hữu Phước kể, trước đây nhiều tổ chức, cá nhân tự ý khai phá đất nông nghiệp trên các đảo, do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo nên việc sử dụng đất tại những nơi này thiếu hiệu quả, thậm chí không đúng mục đích. Đợt kiểm tra mới đây cho thấy, hiện tại còn 5 đảo vẫn chưa hết thời gian hợp đồng sản xuất nông nghiệp và 2 đảo có… chủ quyền hẳn hoi. Đây chính là những tồn tại chưa tháo gỡ được.
Làng bè trên hồ Trị An. |
Ở các đảo: Ông Dần, Con Thỏ, Hai Đính, Năm Bầu… đều là đảo nông nghiệp với những loại cây trồng chủ yếu, như: tràm bông vàng, điều, tiêu, cây ăn quả, cây ngắn ngày; một số hộ trên đảo còn nuôi súc vật, song hiệu quả kinh tế không cao. Từ đây, đời sống của cư dân đảo gặp khá nhiều khó khăn. Đáng kể là tại vùng đất giữa mênh mông nước này lại có nhiều cái “không”: không điện lưới, không đường, không trường, không bệnh viện. Cho nên, mỗi buổi đến trường, học sinh phải đi xuồng hàng cây số để lên bờ học; có không ít trẻ em vì quá quen với đời sông nước nên mặc nhiên trở thành… ngư dân từ nhỏ, chẳng biết sách vở là gì. Riêng đối với người bệnh thông thường, chỉ cần đi mua thuốc uống là xong, nhưng bệnh nặng trong đêm là nhiều vấn đề phát sinh phức tạp. Tuy nhiên, cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên các đảo lâu dần đã thích nghi với chuyện thiếu thốn, hoặc bằng lòng với hiện tại.
Tại một làng chài nằm sát chân đảo Đồi Xanh là hàng chục “nhà nổi” lúc nào cũng bồng bềnh, đung đưa trong gió. Đây là những gia đình vừa trồng trọt trên đảo, vừa đánh cá. Gần trưa, nhà nào cũng nghi ngút khói bếp, dường như họ ăn, ngủ trên bè là chủ yếu. Chính vì vậy, di dời các hộ dân trên đảo lên đất liền là kế hoạch phải thực hiện trong nay mai. Bởi, một khi Nhà nước đầu tư thỏa đáng thì mới tận dụng được tối đa tiềm năng của các đảo, lợi thế của những vùng đất 4 bề là nước.
* Lãng phí môi trường thủy sản
Hồ Trị An có nhiều eo ngách gần bờ, độ sâu bình quân 15m, đáy hồ khá bằng phẳng, chất lượng nước bảo đảm đã tạo điều kiện tự nhiên, thích hợp để các loài cá phát triển.
Từ địa hình sông nước thuận lợi đó nên 10 địa phương ven bờ có khá nhiều người làm ngư nghiệp là điều dễ hiểu. Ngoài ra, thời gian trước, ngư dân tại một số tỉnh, thành trong cả nước và Việt kiều Campuchia đến hoạt động nghề cá ngày càng đông, khiến nguồn lợi thủy sản ở hồ Trị An dần cạn kiệt; một số loài cá đặc hữu có nguy cơ sẽ biến mất. Những năm gần đây, cơ quan quản lý đã thả nhiều đợt cá giống với hàng triệu con các loại. Thế nhưng, chuyện quản lý đánh bắt ở giữa bốn bề sông nước không đơn giản chút nào. Trong những năm gần đây, có khoảng 600 ghe, thuyền đăng ký hoạt động, mỗi năm thu hoạch trên dưới 5 ngàn tấn cá các loại. Số lượng ghe có hợp đồng, mỗi tháng đóng tiền cho Hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ tổng hợp Phước Lộc huyện Vĩnh Cửu. Nhưng theo Chủ nhiệm HTX Lê Thị Hải, trong 24 loại hình đánh bắt cá trên hồ Trị An thì phần đông ghe giăng câu, dùng lưới thông thường chỉ nộp phí từ 300 - 450 ngàn đồng/trường hợp; loại sử dụng 3 lớp lưới đóng 750 ngàn đồng và cao nhất là 1,4 triệu đồng đối với 2 ghe dùng lưới giật, vây 3 lớp. Hai năm qua (2011 - 2012) HTX đều thất thu bởi tình trạng khai thác thủy sản lén lút và không bán lại sản phẩm cho HTX, mà đem đến các bến cá tự phát.
Khi chúng tôi đến bến cá La Ngà đã vào giữa trưa, nhưng nơi đây vẫn nhộn nhịp với cảnh thu mua rôm rả. Đây chỉ là 1/5 bến cá hoạt động không có sự quản lý, ràng buộc nào. Chính vì vậy, thương lái tìm mọi cách để người khai thác bán cá cho mình. Nói cách khác, sự cạnh tranh giữa các bến cá với HTX có phần không lành mạnh, bởi một bên phải đóng thuế và bên còn lại thì không ngừng “lớn mạnh”. Đó là chưa kể tình trạng xả rác xuống hồ đã khiến dòng nước liên tục bị ô nhiễm cục bộ. Theo hạt phó Phước, kiểm lâm dưới hồ có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát những hoạt động trên sông nước và quản lý tài nguyên các đảo. Mới nghe tưởng “oai” lắm, song một khi vào trận là cả vấn đề khó khăn, nhất là phương tiện chuyên dụng còn thiếu thốn. Trong năm 2012, kiểm lâm hồ Trị An phát hiện 4 vụ vận chuyển lâm sản bằng đường thủy; 31 vụ sử dụng xung điện; 16 vụ khai thác cá tại những nơi cấm và thu giữ hàng trăm bộ lưới mắt cáo…, nhưng hình thức vi phạm chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chiều tối, trên đường quay trở về, chúng tôi gặp hàng đoàn ghe thuyền bắt đầu giăng lưới. Trên cao, từng đàn chim én chao lượn, báo hiệu mùa di cư mới và không khí của mùa xuân đang đến. Chia tay tôi, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phước thể hiện nỗi ưu tư khi thổ lộ: Lợi riêng của ngư dân trên hồ Trị An là điều thấy rõ, song lợi chung về một môi trường đầy tiềm năng này thì chưa cụ thể lắm.
Tạ Nguyên