Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồ Trị An - Tiềm năng chưa khai thác hết (Bài cuối)

10:12, 21/12/2012

Thời điểm cuối năm, hoàng hôn trên hồ Trị An là một trong những cảnh sắc rực rỡ nhất với mặt trời đỏ rực soi bóng xuống mặt nước. Ai đã từng một lần đến đây để được thưởng ngoạn giây phút nên thơ này mới có thể cảm nhận đầy đủ về một vùng đất thanh bình, sâu lắng…

Du lịch còn bỏ ngỏ

Thời điểm cuối năm, hoàng hôn trên hồ Trị An là một trong những cảnh sắc rực rỡ nhất với mặt trời đỏ rực soi bóng xuống mặt nước. Ai đã từng một lần đến đây để được thưởng ngoạn giây phút nên thơ này mới có thể cảm nhận đầy đủ về một vùng đất thanh bình, sâu lắng…[links(right)]

Hồ Trị An là một hồ chứa nhân tạo, nhưng cũng độc đáo không kém những xứ sở sông nước ở nơi khác. Dạo chơi hồ Trị An bằng ghe, thuyền, hoặc ngồi ca nô lướt nhanh trên sóng nước để được nhìn ngắm cảnh trời mây, non nước là thời điểm thư giãn lý thú. Đây chỉ là một trong những loại hình du lịch ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa (TNVH) Đồng Nai.

* Những điểm đến...

Nằm giữa mênh mông nước, đảo Ó và Đồng Trường trên hồ Trị An lâu nay khá nổi tiếng. Nhìn từ xa, hai ốc đảo như một ngọn núi nhỏ nổi giữa làn nước xanh biếc. Cách đất liền chừng 1km nên việc ra hai đảo không khó khăn lắm. Nhiều du khách khi đến đây, đã chọn phương tiện đến với đảo bằng ghe để được thỏa thích “thả hồn” giữa bốn bề yên ả.

Trên đường ra đảo Đồng Trường.
Trên đường ra đảo Đồng Trường.

Đảo Đồng Trường rộng 22 hécta, là điểm đến của nhiều tour du lịch từ TP.Hồ Chí Minh hoặc các nơi khác. Nơi đây được xem là địa điểm lý tưởng khi du khách muốn nghỉ qua đêm. Nhiều đoàn có thời gian ở vài ngày cuối tuần còn tổ chức hoạt động dã ngoại, lửa trại. Ðối với những ai mới đặt chân lần đầu lên đảo, chắc chắn sẽ không khỏi bất ngờ, lạ lẫm trước cây cảnh xanh tươi và bốn bề gió lộng. Đảo Ó có diện tích 2,2hécta, nhưng phong cảnh nên thơ hơn đảo Đồng Trường. Đến đây, khách có thể câu cá hoặc tắm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh; cũng có thể tìm chút riêng tư  dưới những gốc cây xanh để nghe chim hót, tiếng sóng vỗ nhẹ cùng cây lá “thì thầm” trong gió. Bữa ăn trên đảo gồm có những đặc sản cá được bắt dưới hồ Trị An, điển hình là loại cá lăng với món canh chua, kho tộ, nướng muối ớt… Tuy nhiên, nhiều người nhận định, đến hai đảo Ó và Đồng Trường, cơ bản chỉ dừng lại việc thưởng ngoạn cảnh sắc, hòa mình với thiên nhiên. Thực ra, thời gian qua, công tác quản lý và khai thác du lịch ở đảo Ó và Đồng Trường do Công ty du lịch Đồng Nai chịu trách nhiệm. Vì không được đầu tư đúng mức nên những hoạt động còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.

Thăm đảo xong, du khách có thể đến các địa điểm di tích lịch sử, như: Căn cứ Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Suối Linh… Chiến khu Đ là di tích quốc gia, là niềm tự hào, là biểu tượng truyền thống cách mạng kiên cường của người Đồng Nai và miền Đông Nam bộ. Có nhiều người, dù đã đến đây vài lần nhưng vẫn tràn đầy cảm xúc về nơi ghi dấu chiến trường xưa. Mỗi một hình ảnh được ghi lại ở đây đều là minh chứng cho những hy sinh, mất mát, đau thương và gian khổ mà thế hệ cha anh đã trải qua. Do đó, nếu đến Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai, rong chơi trên hồ Trị An mà không ghé qua những di tích này là một thiếu sót.

* Khai thác du lịch ra sao?

Trong thời gian gần đây, hồ Trị An là nơi phát triển loại hình chơi thuyền buồm. Khám phá được một địa bàn có diện tích phù hợp như hồ Trị An, một vài tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh đã đưa hoạt động này đến khu vực hai đảo Ó và Đồng Trường. Đến nay, môn chơi này đã thu hút nhiều người tham gia. Đây là môn thể thao thuyền chỉ dựa vào sức gió căng buồm, gió càng mạnh thuyền càng lao nhanh. Nhận định về vấn đề này, Giám đốc Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai Trần Văn Mùi cho rằng, hoạt động thuyền buồm trên hồ Trị An là “chui”, chưa được chính thức cho phép. Chính vì vậy, trong thời gian tới, khu bảo tồn sẽ lập kế hoạch để đưa loại hình thể thao này vào tổ chức một cách bài bản, có đăng ký và nộp phí sử dụng mặt hồ.

Theo Đề án xây dựng và phát triển Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2012 - 2020; dự án Trung tâm sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ, sẽ có đến 73% diện tích dành cho cây xanh và mặt hồ. Mục tiêu của các đề án, dự án trên nhằm bảo vệ, xây dựng và phát triển tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các nguồn gien động, thực vật quý hiếm, sinh thái cảnh quan, quản lý bảo vệ và khai thác hiệu quả vùng nội thủy hồ Trị An, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững; ổn định độ tán che phủ trên địa bàn Khu bảo tồn đến năm 2020 đạt trên 85,90% nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 29,76%; góp phần tích cực bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống cộng đồng; tôn tạo, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; khai thác sử dụng hợp lý giá trị tổng hợp của khu bảo tồn.

Nói về kế hoạch phát triển du lịch ở Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai, ông Mùi cho biết, hồ Trị An được quy hoạch thành khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp tỉnh. Theo đó, quy hoạch khu bảo tồn cá, khu đánh bắt và những điểm du lịch. Trước mắt, trong năm 2013, 72 đảo trên hồ sẽ được thu về một đầu mối nhằm quản lý chặt chẽ để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nhất là đảo Ó và Đồng Trường. Bên cạnh đó, khu bảo tồn tiến hành thực hiện các dự án: diệt trừ cây mai dương trên vùng bán ngập; thí điểm nuôi chim yến tại một số đảo; bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản hồ Trị An. Ngoài ra, sẽ khai thác hợp lý tài nguyên rừng, đất rừng, kết hợp  phát triển du lịch hồ Trị An, du lịch sinh thái về nguồn và du lịch cộng đồng. Cụ thể, du khách đến hồ Trị An sẽ được hướng dẫn tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử Chiến khu Đ; tìm hiểu thêm về lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơro; tham quan bãi đá Dựng, suối Linh, thác Ràng, di chỉ khảo cổ Lò gốm cổ ở xã Hiếu Liêm có niên đại cách đây gần 3 ngàn năm…

Đứng trước vùng nước mênh mông hồ Trị An, Giám đốc Mùi không khỏi trăn trở khi mọi việc liên quan đến vùng hồ này còn lắm ngổn ngang. Ông nhớ lại, mới đây trong chuyến khảo sát trên hồ Trị An, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đánh giá: Hồ Trị An có tiềm năng rất lớn. Do đó, nếu không được đầu tư xứng tầm và khai thác đúng mức thì rất lãng phí!

Tạ Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều