Tình trạng ăn xin với những biểu hiện phản cảm đang diễn ra khá phổ biến tại một số khu vực ở TP.Biên Hòa khiến dư luận bức xúc…
Tình trạng ăn xin với những biểu hiện phản cảm đang diễn ra khá phổ biến tại một số khu vực ở TP.Biên Hòa khiến dư luận bức xúc…
Cuối tháng 9-2012, Báo Đồng Nai đăng loạt bài “Theo dấu cái bang”, phản ảnh về thực trạng “chăn dắt” người già, khuyết tật, trẻ em đi ăn xin tại TP.Biên Hòa. Sau đó, nhiều tờ báo khác trong khu vực cũng tham gia thông tin. Các bài báo đều nêu cụ thể địa điểm, thủ đoạn hoạt động của đường dây tổ chức ăn xin, như: hoạt động của vợ chồng Chung - Phương ở KP3, phường Long Bình; Thanh, phường Trảng Dài; Mười, Phong, ở khu vực cầu Suối Linh; Hùng, Tư, ở khu vực phường Tân Phong… Dù dư luận đặt câu hỏi, bao giờ mới dẹp được nạn “cái bang”, song tình hình này vẫn không thuyên giảm.
* Xem thường dư luận
Nạn nhân của những đường dây chăn dắt ăn xin (CDAX) này phần lớn là người già, người khuyết tật, hoặc là những đứa trẻ mấy tháng tuổi đang bị các đối tượng “chăn dắt” tận dụng vắt đến cùng kiệt sức lực. Việc kiếm tiền trên mồ hôi của người khác được thành phần này sử dụng như một “phương tiện” hòng thu lợi bất chính. Sau khi báo chí liên tục phản ảnh, thì chuyện CDAX có phần tạm lắng, nhưng sau đó lại tiếp tục hành sự. Thời gian gần đây, hàng ngày bọn CDAX vẫn “vô tư” đưa đón người ăn xin đến các khu vực đông người qua lại, như: ngã tư, chợ, cây xăng, vòng xoay… để “hành nghề” cho đến tận khuya mới được đưa về.
Hình ảnh người ăn xin làm mất mỹ quan đường phố. |
Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt phanh phui những hoạt động mờ ám, bất nhân của những đường dây CDAX, Ban Thường vụ Thành ủy Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - thương binh và xã hội thành phố cùng cấp ủy cơ sở Đảng 30 phường, xã kiểm tra, rà soát tình hình CDAX từ nơi khác đến hoạt động tại địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải có giải pháp thu gom số đối tượng tổ chức, cầm đầu để có biện pháp xử lý. Thời gian gần đây, một vài phường tiến hành ra quân nhằm giải quyết tình trạng ăn xin, song không đạt hiệu quả, bởi khi thấy đoàn kiểm tra thì số “cái bang” lẩn mất, sau đó lại tiếp tục lên đường với hành trang quen thuộc là nón, bị, gậy.
Riêng các đối tượng “chăn dắt”, do thấy động nên đã chuyển chỗ ở trọ, nhưng vẫn hoạt động bình thường. Trong đó, vợ chồng Chung - Phương vẫn còn quản lý cả chục người ăn xin và thường xuyên bổ sung “quân số” từ quê vào để bù đắp cho số người đã được giải cứu.
* Dẹp bằng cách nào?
Nhận định về tình trạng “cái bang” trong thời gian gần đây, Phó phòng Lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa Lâm Văn Tình cho rằng, lãnh đạo nhiều phường còn thờ ơ với việc ngăn chặn, hạn chế người ăn xin hoạt động trên địa bàn phụ trách. Không ít trường hợp còn đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương, khi phát hiện đối tượng ăn xin hoạt động tại khu vực ranh giới. Chính vì vậy, công tác này giống như “bắt cóc bỏ dĩa”. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng ở TP.Biên Hòa đã thu gom 33 đối tượng ăn xin (gồm 11 trẻ em). Trong số này có 15 người ngoài tỉnh,15 người Campuchia và 3 người thường trú tại Đồng Nai. Các đối tượng sau khi thu gom được đưa về Trung tâm Bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Những người vô gia cư nếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được đưa về Trung tâm bảo trợ người già, người khuyết tật và người tâm thần tỉnh; nếu còn gia đình thì trả về địa phương nơi cư trú. Song tình trạng ăn xin chỉ tạm lắng khi cơ quan chức năng ra tay sau đó lại tái diễn như cũ. Theo ông Tình, nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm nạn ăn xin ở thành phố, là do thiếu sự phối hợp, quản lý chặt chẽ người ăn xin, nhất là đối với người Campuchia. “Nhiều trường hợp chúng tôi thu gom rồi tổ chức giao về cho địa phương nơi người ăn xin đăng ký hộ khẩu. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó lại thấy họ có mặt tại Biên Hòa tiếp tục hành nghề. Riêng việc phát hiện, xử lý nạn CDAX thuộc trách nhiệm của ngành công an, phòng chỉ đôn đốc và phối hợp thực hiện” - ông Tình nói.
Theo ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa thì tình trạng người ăn xin “hành nghề” trên địa bàn không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn liên quan đến nhiều mặt về đời sống và an ninh trật tự của thành phố. Để giải quyết tình trạng này, trước tiên UBND các phường, xã phải làm tốt vai trò quản lý địa bàn. Đồng thời công an phường, khu vực và các đoàn thể phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý đối tượng, xử lý vi phạm. Hiện thành phố đang thực hiện 4 giảm: giảm tai nạn giao thông, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội. Nếu xem nạn ăn xin là tệ nạn xã hội, nhất thiết phải bài trừ thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải đề cao trách nhiệm hơn nữa. |
Thực tế cho thấy, chính sự buông lỏng quản lý địa bàn của các cơ quan chức năng đã tạo cơ hội cho nạn ăn xin tồn tại, gây bức xúc trong dư luận. Rất nhiều ý kiến cho biết, nhằm từng bước lập lại trật tự đường phố, xây dựng một thành phố văn hóa, không có ăn xin thì TP.Biên Hòa nên có một giải pháp cụ thể và kiên quyết thực hiện thì mới mong đạt được hiệu quả.
Kim Pha